lịch sử việt nam

Trang Chính

Bản Tin Blogs:

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Chết Bởi Trung Cộng:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Về Việt-Nam và Trung Quốc:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Trí-Lực:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Weblinks:

 

 

Cây có cội, nước có nguồn. Toàn dân Việt-Nam ngàn đời ghi nhớ ân đức Quốc Tổ Hùng Vương

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam 

Thư-Viện Bồ Đề Online_Thư Viện Hoa Sen

nơi hội tụ của những tâm hồn trăn-trở về nhân-sinh quan và vũ-trụ quan

đồng thời xiển-dương Chánh Tín_bài trừ Mê-Tín Dị Đoan 

Vua Trần Nhân Tông Và Trúc-Lâm Yên-Tử

Lịch-Sử Đức Vua Trần-Nhân-Tông

-Tinh-anh và tổng-lực của tộc Việt-

| Lịch Sử Việt Nam | Vua Trần Nhân Tông

Mục Lục:

Duyên khởi

Chương Một - Hành trạng

Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285

Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa

Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược

Chương Năm - Trì Hoãn Chiến

Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn

Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến

Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288

Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ

Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo

(Quốc Lịch 4882, Phật Lịch 2547, ngày 16 tháng tư năm Quý Mùi tức 16/05/2003 dương lịch) 

Chương Sáu

Tổng phản công Khôi Phục Giang Sơn

Cương Mục Chính Biên Quyển VII ghi: Quân Toa Đô từ Chiêm Thành kéo về, cướp bóc ở dọc đường, trèo non xuống dốc ở khoảng châu Ô, châu Lý, châu Hoan, châu Ái, nay về trấn đóng ở Tây Kết. Nhà vua bàn với quần thần rằng: «Quân giặc đi muôn dặm đường để đánh úp nước người ta, vì không đánh được mà phải bỏ đi, bây giờ nhân lúc chúng mỏi mệt mà đem quân đã nghĩ dưỡng sức của ta để đối địch với quân mỏi mệt của chúng, đánh ngay một trận phủ đầu cho chúng mất hết nhuệ khí, thì tất nhiên phá được».

Qua lời phán ngắn gọn này ta đã thấy rõ ràng hơn chiến lược chống giặc của ngài từ các trận Thăng Long, Bình Than, A Lỗ, Đại Hoàng, chỉ là những chiến trường mà quân ta chỉ chận địch, đánh cầm chừng (ngoại trừ trận Phú Tân), tiêu hao nhân vật lực của chúng đồng thời bảo toàn lực lượng của ta rút tất cả về Thiên Trường và Trường Yên chờ đợi dịp tốt để tổng phản công. Và cơ hội đã đến. Tháng 4 ở nước ta nhằm vào mùa hè, thời tiết oi bức, đã làm cho đạo quân xâm lăng của nhà Nguyên thêm mỏi mệt và dã dượi. Đồng thời nhận thấy rằng các trận địa ta đã bày ra vừa đủ để nhốt các đạo quân của giặc vào thế bị vây nên Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông đã ban hành lịnh tổng phản công giải phóng quê hương: «..đem quân đã nghĩ dưỡng sức của ta để đối địch với quân mỏi mệt của chúng, đánh ngay một trận phủ đầu cho chúng mất hết nhuệ khí, thì tất nhiên phá được».

Sau khi lịnh tổng phản công được ban hành bởi Đức Hoàng đế Trần, thì tình hình tổng quát được ghi nhận như sau trong:

An-Nam Chí-Lược: «Trong tháng 4, mùa hạ, An nam thừa cơ quân ta đề phòng chỉnh mãng, đánh lấy lại La-thành».

Toàn Thư chép: «Mùa hạ, tháng 4, vua sai bọn Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Hoài Vân Hầu Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh giặc ở bến Tây Kết. Quan quân giao chiến với quân Nguyên ở Hàm Tử Quan. Các quân đều có mặt. Riêng quân của Chiêu Văn Vương Nhật Duật có cả người Tống, mặc quần áo Tống, cầm cung tên chiến đấu. Thượng hoàng sợ các quân có thể không phân biệt được, sai người dụ rằng: «Đó là quân Thát của Chiêu Văn đấy, phải nhận kỹ chúng».

Cương Mục: «Quân Toa-Đô từ Chiêm-Thành kéo về, cướp bóc ở dọc đường, trèo non xuống dốc ở khoảng châu Ô, châu Lý, châu Hoan, châu Ái, nay tiến về đóng ở Tây-Kết…nhà vua liền hạ lịnh cho Chiêu Văn Vương Nhật Duật, Chiêu Thành Vương (không rõ tên), Hoài Văn Hầu Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đem quân tinh nhuệ đón đánh. Khi quân ta đến cửa Hàm Tử, hai bên đánh nhau kịch liệt».

Việt Sử Tiêu Án: «Chiêu Văn Vương là Nhật Duật đánh bại quân Nguyên ở Hàm Tử Quan».

Kinh thế đại điển tự lục trong Nguyên văn loại 41 tờ 27a8-9 ghi: «Tháng tư, quân của Giao Chỉ đại khởi. Hưng Đạo Vương của chúng đánh Vạn Hộ Lưu Thế Anh ở đồn A-Lỗ. Trung Thành Vương đánh Thiên Hộ Mã Vinh ở Giang Khẩu. Họ đều bị giết và rút lui. Thế rồi quân thủy bộ đến vây đại doanh mấy lớp, tuy chết nhiều nhưng quân tăng viện càng lúc càng đông. Quan quân sớm chiều cố đánh khốn khổ, thiếu thốn, khí giới đều hết, bèn bỏ kinh thành của chúng mà vượt sông…»-TTTNTông, LMThát việt dịch-.

Các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái được lịnh của Đức Hoàng đế Trần đem các binh sĩ tinh nhuệ vây đánh quân giặc ở bến Tây-Kết (ở ven sông Hồng, khoảng thôn Đông Kết, xã Đông Bình, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Ngày nay, thôn này cách sông Hồng 3 cây số, đất bãi (tức bãi Mạn-Trù, nay thuộc xã Tân Châu), nhưng xưa kia sông kề thôn).

Thừa thắng xông lên sau khi đã chiếm được bến Tây-Kết, các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đã thẳng đường tiến đánh Hàm Tử Quan (cửa Hàm Tử: ở bãi Hàm Tử, huyện Động Yên tỉnh Hưng Yên). Trong toán quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật có một số binh sĩ người Tống trong đoàn quân. Thượng hoàng Thánh Tông sợ binh lính của ta không phân biệt được, mới sai người tới bảo rằng: «đó là quân Thát (tức quân Tống) của Chiêu Văn Vương, phải nhận kỹ đừng bị lầm». Lý do là vì quân Mông-cổ và quân Tống tiếng nói và y phục giống nhau. Nên khi quân Nguyên thấy như vậy bảo nhau là Đại Việt có người Tống sang giúp nên kinh sợ bỏ chạy và ta chiếm được ải này cũng không khó lắm. Nguyên do khi nhà Tống bị mất, có nhiều người Tống đã chạy sang nước ta và xin gia nhập vào hàng ngủ của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Trong đó có Triệu Trung được nhận làm gia tướng. Vì thế trong trận này Trận Nhật Duật là người được ghi công nhiều nhất.

Như vậy là suốt trong tháng 4 sau khi lịnh tổng phản công được ban hành thì quân dân Đại Việt đã tái chiếm lại các cứ điểm đã bị mất trước đây. Đó là A-Lỗ, Tây-Kết, Hàm Tử Quan và nó đã mở rộng cửa cho đường về giải phóng Thăng Long.

Trận phản công diễn ra tại cứ điểm A-Lỗ hay Hải-Thị do Hưng Đạo Vương chỉ huy. Đây là một trận đánh lớn không kém phần gay go quyết liệt. Quân nhà Trần đã tấn công hai hướng An-Lỗ và Giang-Khẩu. Ở tại Giang-Khẩu dưới sự chỉ huy của Trung Thành Vương đã kịch chiến với tướng nhà Nguyên là Thiên Hộ Mã Vinh. Binh sĩ Nguyên bị quân ta sát hại rất nhiều phải tháo lui. Sau đó hai cánh quân thủy bộ của nhà Trần đã tập trung toàn bộ lực lượng đánh vào đại doanh của chúng. Đại doanh đây chính là kinh thành Thăng Long. Mặc dù quân giặc cố gắng chống trả, quân ta thiệt hại không ít, nhưng nhờ chiến lược «đánh cầm chừng» trước đây nên ta đã bảo toàn được lực lượng do đó ta có đủ lực lượng để bủa vây quân địch đến mấy lớp và viện quân được điều đến liên tục để dứt điểm chiến trường quan trọng này. Quân Mông-cổ vì bị vây hãm nhiều ngày, người ngựa thiệt hại, lương thực thiếu thốn, khí giới mất mát, không có viện binh cũng chẳng có khí cụ thay thế nên chúng buộc phải rút bỏ thành Thăng Long.Trận đánh từ A-Lỗ qua Giang-Khẩu đến Thăng Long ắt hẳn phải kéo dài đến cả tháng trời từ đầu tháng 4 cho đến thượng tuần tháng 5 mới hoàn tất.

Sang tháng 5 vào ngày mùng 3 năm Ất Dậu (1285) Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng đế Nhân Tông từ Thanh Hóa tiến ra cùng thân chinh đánh chiếm lại Trường-Yên (hay Tràng An theo Việt Sử Tiêu Án), ở đây quân ta đã thắng lớn, bắt được vô số địch quân cũng như giết được nhiều quân giặc.

Về chiến thắng ở Chương Dương làm bàn đạp để giải phóng Thăng Long thì có một số sứ khác biệt. Trong các sử Tàu không thấy ghi tới chiến thắng này, còn sử ta chỉ ghi rất tóm tắt như, Toàn Thư viết: «Ngày mồng 10 (tháng 5), có người từ chỗ giặc trốn về đến ngự doanh tâu báo: Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản, và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền, đem dân binh đánh bại quân giặc ở các xứ kinh thành, Chương Dương (Chương Dương là tên bến. Nay ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình còn có tên xã Chương Dương ở ven sông Hồng). Quân giặc tan vỡ lớn. Bọn Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt rút chạy qua sông Lô» (tức sông Hồng).

Chương Dương (tên bến đò, ở xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội ngày nay-thuộc huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ) là một cứ điểm phòng ngự lớn của giặc trước khi về tới Thăng Long. Có thể nói đây là tiền đồn xa để phòng thủ kinh thành Thăng Long mà giặc Nguyên gọi là đại doanh. Tại đây quân ta và Mông-cổ đánh nhau một trận rất lớn và kẻ thù đã bị thiệt hại nặng. Có thể vì lý do đó chúng đã không ghi một dòng chữ nào trong các quyển sử Mông-cổ, ngoại trừ An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc ghi vắn tắt: «Trong tháng 4, mùa hạ, An-Nam thừa cơ quân ta chỉnh mãng, đánh lấy lại La-thành». Chương Dương là tiền đồn xa như đã nói, khi quân ta chiếm được địa điểm tức nhiên Thăng Long chắc chắn phải lọt vào tay ta thôi. Nếu Chương Dương không mất thì Thăng Long không bị đe dọa và cũng không bị ta chiếm. Cho nên ở đây Lê Tắc viết: «An-Nam đánh lấy lại La-thành». La-thành tức thành Đại-La mà Đại-La là tên cũ của thành Thăng Long, thành này lại là đại doanh (tổng hành dinh đạo quân miền Bắc của Thoát Hoan) như trong Kinh thế đại điển tự lục Nguyên văn loại đã ghi. Chúng ta có thể biết được rằng kinh thành Thăng Long đã được quân ta giải phóng từ tháng 4 nhưng mãi đến 10 tháng 5 mới có người lính của ta bị giặc bắt ở Chương Dương trốn chạy về báo cho hai vua đang chỉ huy trận đánh ở Trường-Yên được biết tin trên. Như vậy kinh thành Thăng Long được quân ta giải phóng vào cuối tháng 4 và tháng 10 tháng 5 có người chạy về Trường-Yên để báo là điều hợp lý là vì trận đánh tái chiếm Thăng Long thành diễn ra rất gay go nên nó đã kéo dài hơn cả tháng trời. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà Cương Mục và Việt Sử Tiêu Án lại không đề cập đến trận đánh tái chiếm Chương Dương độ?

Về mặt trận Trường-Yên, Cương Mục ghi tiếp: «Về phần quân Nguyên: quân của Toa Đô và quân của Thoát Hoan đóng cách nhau đến hai trăm dặm, lúc Thoát Hoan phải rút lui quân, Toa Đô vẫn chưa biết, nên Toa Đô và Ô Mã Nhi đem quân từ đường biển ra đánh ở sông Thiên Mạc, định phối hợp với cánh quân Thoát Hoan để nương tựa lẫn nhau».

Tại mặt trận Trường-Yên do Thoát Hoan chống giữ. Thoát Hoan đã bị hai vua Trần thống lãnh quân sĩ đánh bại nên phải rút lui và cũng không kịp báo cho Toa Đô và Ô Mã Nhi cùng biết vì chúng đóng quân cách nhau đến hai trăm dặm.

Tại mặt trận thành Thăng Long, An-Nam Chí-Lược ghi: «Ngày Đinh Sửu mồng 5 tháng 5, Giảo Kỳ cùng Vạn-Hộ phục binh đánh vào cung điện vua Trần, đánh tan rồi, đến sông Lư-giang hội họp với Trấn-Nam-Vương». Bên trong thành Thăng Long, quân ta truy đuổi gắt gao kẻ thù, Giảo-Kỳ và Vạn-Hộ rút lui sau chót (sau khi Thoát Hoan đã chạy) phải dùng kế mai phục chận đánh quân ta bằng nỏ mới thoát được khỏi sông Cái để họp với Thoát Hoan.

Sau khi Thăng Long đã sạch bóng quân thù, ngày 15 tháng 3 năm Ất Dậu (1285) hai vua đã về lại kinh thành trong tiếng khải hoàn và hai vị đã đi bái yết lăng tẩm của tổ tiên ở Long Hưng.

Ngày 17 tháng 3, Toa Đô và Ô Mã Nhi lại từ biển đánh vào sông Thiên Mạc, muốn phối hợp với quân của Thoát Hoan để có sự trợ lực lẫn nhau. Quân tiền thám của giặc Nguyên đi đến huyện Phù ninh (thuộc tỉnh Phú Thọ. Cánh quân giặc đến Phù Ninh chắc là cánh quân đến từ Vân Nam), viên phụ đạo huyện ấy là Hà Đặc lên núi Trĩ Sơn tử thủ. Quân Nguyên hạ trại và đóng ở động Cự-Đà (có lẽ thuộc xã Tử Đà, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Theo thần tích địa phương thì Hà Đặc là người xã Tử Đà). Hà Đặc lấy tre đan thành những hình người cao lớn, cho mặc áo, cứ đến chiều tối thì dẫn ra dẫn vào. Ông lại cho dùi thủng cây to, cắm tên trên người lớn vào giữa lỗ để giặc ngờ là sức bắn mạnh làm xuyên thủng được (Toàn Thư-Bản Kỷ-Quyển V). Thấy hình thức bài trí như vậy, giặc Nguyên ngại không dám đánh. Quân ta do Hà Đặc chỉ huy xông ra đánh và phá được giặc. Ông dẫn quân đuổi theo đến A Lạp, bắc cầu phao qua sông, vì quá hăng say nên bị tử trận. Người em là Hà Chương bị quân giặc bắt được. Thừa lúc giặc không đề phòng, Hà Chương đã lấy được quần áo và cờ xí của chúng trốn đi trong đêm chạy về cho quân ta. Quân nhà Trần bèn dùng quân phục này trở lại doanh trại giặc, vì không ngờ là quân ta giả dạng, chúng đã bị đánh úp dễ dàng và ta phá được trại của chúng.

Ngày 20 tháng 5 năm Ất Dậu (1285) hai vua thống lĩnh binh sĩ tấn công quân Nguyên ở Đại Mang Bộ (không rõ nơi đây ở đâu; Cương Mục và Việt Sử Tiêu Án gọi là Đại Mang) ở tại đây Tổng quản quân Nguyên là Trương Hiển đầu hàng quân ta. Sau chiến thắng ở Đại Mang Bộ, quân ta tiến chiếm Tây Kết.

Đại Mang Bộ và Tây Kết có thể rất gần nhau cho nên hai vua sau khi đã thống lĩnh quân Trần đánh bại giặc Nguyên ở Đại Mang Bộ xong thì tiến chiếm Tây Kết. Tây Kết mà ta gọi lần này là Tây Kết 2. Vào đầu tháng 4 các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đã thành công trong việc đánh bại quân Nguyên ở trại Tây Kết (mà ta gọi đây là Tây Kết 1) và sau đó đã đưa đến chiến thắng Hàm Tử Quan. Có thể rằng sau khi đánh bại quân Nguyên trong trận Tây Kết 1, quân ta đã rút đi để tiếp tục đánh những trận khác nên đã không cho quân đóng tại chỗ. Cho nên khi đạo quân phía Nam của Toa Đô và Ô Mã Nhi trên đưòng Bắc tiến để phối hợp với Thoát Hoan đã đến đóng tại đây. Trên đường tiến quân tới Tây Kết, chúng đã gặp sự kháng cự không ngừng của quân đội Đại Việt. Phải nói đây là trận chiến dữ dội nhất vì «dọc đường ngày đêm không nghĩ và phải đánh cùng quân An Nam». Trong trận chiến này hai vị Tướng nhà Trần không may đã bị chúng bắt đó là Trần-Đà-Phạp và Nguyễn-Thạnh.

Toàn Thư-Bản Kỷ-Quyển V ghi diễn tiến trận đánh Tây Kết 2 như sau: «Ngày 20, hai vua tiến đánh ở Đại Mang Bộ. Tổng quản giặc Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Hôm đó, ta đánh bại giặc ở Tây Kết, giết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu Nguyên soái Toa Đô. Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hóa, hai vua đuổi theo như không kịp bắt được hơn 5 vạn dư đảng giặc đem về, Ô Mã Nhi chỉ còn một chiến thuyền vượt biển trốn thoát…Vua trông thấy thủ cấp Toa Đô, thương hại nói: «người làm tôi phải nên như thế này»  …Rồi cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn, nhưng ngầm sai lấy đầu Toa Đô đem tẩm dầu để răn, vì cớ Toa Đô mượn đường vào cướp nước ta đã ba năm vậy».

An-Nam Chí-Lược ghi về Tây Kết 2 rằng: «Khi ấy Toa đô nghe đại binh đã kéo về, mới từ Thanh Hóa lui quân, dọc đường này đêm không nghĩ và phải đánh cùng quân An-Nam, bắt được mấy tướng là Trần-Đà-Phạp và Nguyễn-Thạnh. Đến đất Bái-Khanh, tướng của Toa Đô là Lễ-cước-Trương làm phản, suất quân An-Nam đánh với quân Nguyên, Toa Đô nhảy ngựa rơi xuống nước chết đuối, quân lính bị tan rã, duy Ô Mã Nhi và Vạn Hộ Lưu Khê đi thuyền nhỏ trốn thoát, chỉ Tiểu-Lý đi chiếc thuyền cô đơn mà đánh theo sau, bị thua tự đâm họng, Thế-Tử cảm trung nghĩa của y, sai người cứu sống và đãi đằng tử tế».

Hai vua thắng lớn ở mặt trận Trường Yên đã dẫn đoàn quân Bắc tiến để phối hợp với cánh quân miền Bắc có trọng trách giải phóng Thăng Long do Hưng Đạo Vương chỉ huy. Và trên đuờng đi quân ta đã chạm trán đến cánh quân phía Nam của giặc ở Tây Kết. Tại đây đã diễn ra trận đánh có cùng một địa điểm mà ta gọi là Tây Kết 2.

Tại mặt trận này, hốt hoảng vì bị quân ta truy đuổi, một tướng nhà Nguyên thân cận với Toa Đô tên là Trương Hiển (An-Nam Chí-Lược ghi là Lễ-cước-Trương) đã đầu hàng quân ta đồng thời thả các binh sĩ bị Mông-cổ bắt. Những binh sĩ này thừa cơ hội đó tập kích từ bên trong phòng tuyến giặc để phối hợp với cánh quân tấn công bên ngoài đã làm cho đạo quân này rối loạn hoảng sợ. Giữa tình thế đó, Toa Đô nhảy ngựa rơi xuống nước chết đuối (An-Nam Chí-Lược), Toàn Thư ghi là bị chém đầu, Nguyên sử bảo là Toa Đô bị chết ở sông Cầu. Do vì chủ tướng bị tử thương nên quân Nguyên đã tan vỡ nhanh chóng và quân ta được thắng lớn. Ô Mã Nhi thừa cơ màn đêm buông xuống đã trốn chạy vào Thanh Hóa, quân ta rượt theo không kịp. Hắn và Vạn-Hộ Lưu-Khê dùng thuyền nhỏ vượt biển chạy về Tàu. Một viên tướng nhà Nguyên tên là Tiểu-Lý chạy trốn bằng một thuyền nhỏ khác bị quân ta đuổi kịp nên đâm cổ tự tử. Đức Hoàng đế Trần cảm lòng trung thành của người này đã ra lịnh cứu sống và đãi đằng tử tế.

Qua hai trích đoạn vừa rồi ta thấy được toàn bộ bối cảnh những giờ phút sau cùng trên đất Việt của đạo quân phía Nam của quân Nguyên.

Khi trông thấy đầu người của Toa Đô, Đức Hoàng đế Trần nói: «Người làm tôi phải nên như thế này» . Xong cởi áo ngự, bảo quân lính đem chôn, nhưng kín đáo ra lịnh lấy đầu Toa Đô đem tẩm dầu để răn đe quân giặc vì chính y là người gây hấn mượn đường đánh Chiêm Thành để cướp nước ta cách đây ba năm về trước và cũng là người đốt phá kinh thành. Trong trận Tây Kết 2 quân đội nhà Trần bắt sống được 50 ngàn quân Nguyên ngay tại chiến trường. Thế là cả đạo quân phía Nam gồm 70 ngàn người đã bị đánh tan trong một thời gian ngắn.

Về hành động Đức Hoàng đế Trần cởi áo ngự bọc đầu của Toa Đô đồng thời sai người tẩm dầu để răn đe kẻ thù, sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá như sau: «Than ôi! Câu nói ấy của vua thực là câu nói của bực đế vương! Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để trừ giặc mạnh là phải lắm».

Quân Nguyên thua luôn liên tiếp nhiều trận lớn, quân lính lớp chết, lớp bị bắt làm tù binh đến mấy chục ngàn người, do đó tinh thần quân Mông-cổ ngày càng sa sút, cộng với thời tiết nước ta nhằm lúc đó trời vào hè, lúc thì nắng gay gắt, khi thì mưa tầm tả khiến tinh thần của đạo quân xâm lược sa sút trầm trọng. Trong tình hình như thế có ở lại cũng chẳng làm gì được, nên Thoát Hoan tính kế rút lui. Tuy nhiên, Hưng Đạo Vương đã dự trù trước trường hợp này nên đã đặt phục binh những nơi giặc có thể đi qua. Khi quân của Thoát Hoan rút về ngang qua Vạn Kiếp, chưa kịp lên đò sang sông, quân của ta từ các nơi ẩn núp túa ra giết giặc. Vì bị đánh úp bất ngờ quân Mông-cổ bị chết hơn một nửa. Cận tướng Lý-Hằng liều chết bảo vệ Thoát Hoan, chạy về Tư-Minh (tên phủ( ?) thuộc phủ tỉnh Thái Bình tỉnh Quảng Tây, giáp với tỉnh Lạng Sơn nước ta), nhưng bị ta bắn tên tẩm độc trúng đầu gối và chết ngay tại chỗ. Trong lúc giao tranh một vị quan hầu của Hưng Đạo Vương là nghĩa-dũng Trần-Thiệu bị tử trận. Tỳ tướng là Lý Quán tụ hợp khoảng 50 ngàn quân còn lại, dấu Thoát Hoan vào một ống đồng chạy trốn vế phương Bắc. Chúng chạy đến Tư Minh, nhưng Hưng Vũ Vương Hiến đuổi theo kịp, dùng tên độc bắn chết Lý Quán, và quân Nguyên đã tan vỡ hẳn trong trận này. Vào mùa đông cùng năm, đám phản thần Trần Ích Tắc về tới Yên kinh và triều kiến Hốt-Tất-Liệt.

Trong các quyển sử của ta như Cương Mục, Việt Sử Tiêu Án và các quyển sử soạn gần đây như Việt Sử Tân Biên của ông Phạm Văn Sơn, Việt Nam Sử Lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim, Trần Hưng Đạo của Hoàng Thúc Trâm đã không thấy đề cập đến cái chết của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Chỉ có Toàn Thư Bản Kỷ Quyển V viết: «…Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản…còn trẻ tuổi, không cho dự bàn…Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước Vương». Nhưng các quyển sử của nhà Nguyên lại có đề cập đến cái chết của ông. An nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 8a10 ghi: «Quan quân đến sông Như Nguyệt, thì Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đánh». Kinh thế đại điển tự lục trong Nguyên Văn loại 41 tờ 27b 1-2 viết: «Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đuổi thì bị giết». -TTTNTông, LMThát- Việt dịch.

Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản quê ở làng Tức Mặc tỉnh Nam Định. Hội nghị Bình Than được tổ chức để thống nhất ý chí đoàn kết của hàng vương tôn quốc thích hầu đối phó với hiểm họa xâm lăng gần kề của quân Mông-cổ. Trong hội nghị này vì còn nhỏ tuổi ông đã không được Đức Hoàng đế Trần cho tham dự, tự thấy hổ thẹn vì chưa có cơ hội đóng góp cho nước nhà, Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam đang cầm trên tay lúc nào cũng không hay. Khi về nhà, với tinh thần chiến đấu tự phát, ông đã chiêu mộ binh lính, dựng lá cờ Phá Cường Địch Báo Hoàng Ân. Khi giặc Nguyên xâm phạm cõi bờ Đại Việt, ông luôn đi đầu và dẫn quân sĩ chống giặc với khí thế vô cùng dũng mãnh khiến kẻ thù phải khiếp hãi khi nghe đến tên ông. Sau lịnh tổng phản công vào mùa hè tháng 4 năm Ất Dậu (1285), quân địch rút chạy khỏi kinh thành Thăng Long, Đức Hoàng đế Trần đã sai Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản truy kích quân của Thoát Hoan. Quân ta đụng độ với giặc Tàu ở sông Như Nguyệt (chưa rõ nơi đâu), và người anh hùng thiếu niên này đã anh dũng hy sinh cho đất nước. Tiếc rằng cái chết anh hùng này hàng hậu bối chúng ta đã không được biết nhiều hơn. Khi nghe tin Hoài Văn Hầu tử quốc, Đức Hoàng đế Trần rất là thương tiếc đã tự thân làm văn tế tưởng niệm đồng thời gia phong tước Vương cho Trần Quốc Toản.

Mục Lục:

Duyên khởi

Chương Một - Hành trạng

Chương Hai - Đức Trần Nhân Tông và cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất 1285

Chương Ba - Chiến lược phòng thủ diện địa

Chương Bốn - Kế sách rút lui và phòng thủ chiến lược

Chương Năm - Trì Hoãn Chiến

Chương Sáu - Tổng phản công khôi-phục giang-sơn

Chương Bảy - Củng cố nội trị sau cuộc chiến

Chương Tám - Cuộc chiến vệ quốc lần thứ ba 1288

Chương Chín - Chiến thắng sông Bạch Đằng, chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ

Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử 

 

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

Live Traffic Feed
free counters

un compteur pour votre site