lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Biển Cả Và Con Người

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Hồ Sơ Chủ Quyền Của Quốc Gia Dân Tộc Việt Nam

...

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

...

Nguyên Tử Của Việt Nam Và Quốc Tế

...

Tin Tức Thời Sự Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Thư Tín

...

Weblinks:

 

Lá Thư Úc Châu

Lá Thư Úc Châu 15/06/2012

châu úc, úc đại lợi

Chúc Thân hữu cuối Tuần Vui vẻ.

Trang Thơ Nhạc (Weekend)

Nhạc:
Mắt Buồn
Nhạc: Phạm Đình Chương
Thơ: Lưu Trọng Lư
Giọng hát: Thái Thanh

Có 2 bài Mắt Buồn:

(i)  Nhạc Trịnh Công Sơn, phổ thơ Bùi Giáng,
(ii) Nhạc Phạm Đình Chương, phổ Thơ Lưu Trọng Lư.

I. Một chút về Bùi Giáng với Mắt Buồn:

bùi giáng

Nhà thơ Bùi Giáng. Hình blog Nguyễn Xuân Hoàng, TLYT bổ túc.

Thi sĩ Bùi Giáng (1 trong 3 thi hào đương đại Việt Nam) cùng với Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt), Quang Dũng (Bùi Đình Diệm). Ông sinh năm 1926 tại Quảng Nam (nguyên quán: Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam), từ trần ngày 7-10-1998 tại Sài Gòn, thọ 72 tuổi.

Bùi Giáng nổi tiếng về thơ "lục bát cách tân", Ông đã in 7 tập thơ.Ngoài thơ, Bùi Giáng còn viết sách giáo khoa, bình luận Truyện Kiều, Bà Huyện Thanh Quan, Phan Văn Trị...Dịch nhiều tác phẩm Văn , Triết từ tiếng Pháp, tiếng Đức ra Việt ngữ.

Có ý kiến cho rằng :" Văn học Việt Nam hiện đại có hai "đột phá khẩu" trong ngôn ngữ văn chương là Văn Nguyễn Tuân và Thơ Bùi Giáng " ? Trước cả núi tác phẩm độc đáo "khó đọc" với cái bút pháp "xí lắt léo" có một lối chơi 'cà ngẳng", "cà rỡn" trong thơ cũng như cuộc đời đầy kỳ bí cuồng si của Thi sĩ để hậu thế còn tốn nhiều giấy mực luận bàn về Thơ & Đời Bùi Giáng.

Cũng như các vị tiền bối Nguyễn Du, Tú Xương...luôn tỏ ra vô cùng thương cảm cái biệt nghiệp "hệ lụy nhân sinh" của "Tấn trò đời" (Balzac) mà xưa nay là cái thói riêng của "giống hữu tình". Ông sinh ra gặp thời loạn lạc, lớn lên bao nõi ưu phiền. "Con mắt thơ" nhìn đời thấy mọi giá trị đảo lộn. Nếu coi thơ là thế giới ảo, thì ông là Thi sĩ đi giữa hai bờ thực / ảo cuộc đời ở trong vùng Nam Bộ- nam Trung Bộ suốt một thời đảo điên (1945-1975).Năm 1965 ông viết như một lời tự thuật :

Sơ sinh phát tiết muộn lời
Tâm hồn như lộc, trang đời như điên
Muộn lời chậm tiếng đầu tiên
Liền tâu Thần nữ mối phiền lão phu.
(Đề từ tập Rong Rêu)

Thây kệ đời ô trọc, ông "điên" giữa phố thị Sài Gòn. ông là Đười Ươi trong rừng rú còn hơn "lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ". Đó là cái điên của một con người đã hồn nhiên tin rằng : cuộc đời là một cuộc chơi, ngao du cho qua ngày tháng.Thơ Bùi Giáng cho ta hình ảnh một gã Trung Niên Thi Sĩ khờ khạo đến sâu sắc, ngủng ngẳng một cách nghiêm túc, điên một niềm tin trí tuệ rất triết học thành ra VÔ NGÔN, quê mùa . Thơ Bùi Giáng là tiếng lòng không bình yên, ông đã phá chấp một cách Vô thức, đáng yêu. Con người mang tiếng điên ( một dạng cuồng sĩ) cứ nhón chân để rình bắt chính mình (nói như T.V Thiên An).

Thơ Bùi Giáng là một týp thơ "bụi" , chịu chơi, phóng khoáng của "Bác hai Nam Bộ" (kiểu bác Ba Phi), không ít những câu thơ quý hiếm, lạ lùng... mới bập vào tưởng là Dân gian, đọc ngẫm nghĩ thấy rất Hàn lâm Bác học- đó là một tài thơ đặc biệt trên Thi đàn Việt Nam hậu thế kỷ 20.

Yêu nhau, ngàn vạn não nường
Biển dâu lớp lớp mộng trường so le.

Hiểu như Tản Đà (đời là một giấc mộng) thì ở Bùi Giáng là một cách diễn tả hình tượng thơ thật đọc đáo :vừa truyền thống vừa hiện đại là vậy.

MẮT BUỒN

Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấm trang sử lịch thu triền miên trôi.
*
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên đời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

Đọc Bùi Giáng là ta du hành lang thang vào cõi thơ, miền tâm thức của ông (cõi miên trường) qua mọi ngõ ngách của mộng, của tình ,của lẽ tử sinh, của nỗi xao xuyến bàng hoàng của một Trung Niên Thi Sĩ "ngày xưa ông ấy là Giáo sư, ngày xưa ông ấy làm thơ, ngày xưa ông ấy giầu có lắm, ngày xưa ông ấy là Tô Vũ chăn dê...Ông ấy uống rượu dưới trăng khuya, đọc thơ nơi quán vắng. Đó là một chàng Thi sĩ ôm trái tim cô đơn, lãng tử, tình yêu đơn phương (người chẳng yêu ta, ta cứ yêu),làm bạn với nhiều trăng gió, phấn hương...Cái hình dáng xưa ấy tuy đã bị "bóng mây trời cũ hao mòn" nhưng trong tâm hồn chàng thì không bao giờ chịu cũ ? và đến khi chỉ còn ';Bây giờ riêng đối diện tôi" thì bồng nhiên Người ấy cứ hiện về. Thương người để quá thương thân .
"Gái một con trông mòn con mắt" như trước mặt mà đã tuột khỏi tầm tay...Tất cả chỉ còn trông theo và tiếc nuối...Người ta đã an bài ngời ngời hạnh phúc ! -còn ta ? "còn hai con mắt khóc người một con" thật là não nuột , thật là chung tình, thật là thơ mộng. thật là khờ khạo...thật là đáng yêu vì tình chỉ đẹp khi tình dang dở kia mà ? !

Và...chỉ có Trịnh Công Sơn  là đủ tài hoa để chia sẻ nỗi đau cùng Thi sĩ "còn hai con mắt khóc người một con / còn hai con mắt một con khóc người/ con mắt còn lại nhìn đời là không/ nhìn em hư vô, nhìn em bóng nắng...nhìn em ra đi, lòng em xa vắng..."

Chao ôi, thơ với nhạc- đôi bạn lòng tri âm tri kỷ để MẮT BUỒN của Bùi Giáng... đưa ta về cội nguồn của nỗi đau đời đầy ngẫu nhiên và phi lý , nhưng vẫn còn "mai sau hẹn với ban đầu/ chờ nhau ngõ khác ngõ màu nguyên xuân".

(Nguyễn Khôi)
(Source: NewVietArt)

***

Bùi Giáng

Tiểu sử: (tự ghi)
1926 – được bà Mẹ đẻ ra đời
1928 – bị té bể trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm, hai năm trời chết đi sống lại
1933 – bắt đầu đi học a, b, c… trường làng tại Thanh Châu với Thầy Cù Đình Qúy
1936 – học trường Bảo An với thầy Lê Trí Viễn
1939 – ra Huế học tư thục với những thầy Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh Nguyễn đức Nguyên, Đào duy Anh...
1940 – về Quảng Nam chăn bò
1942 – trở ra Huế, vì nhớ nhung gái Huế
1949 – nhập ngũ , bộ đội công binh. Hai năm sau giải ngũ
1952 – vào Sài gòn, 1955 (57) khởi sự viết về Nguyễn Du và một vài nhận xét về Truyện Kiều và một vài nhận xét về Bà Huyền Thanh Quang, một vài nhận xét về Chinh Phụ Ngâm …(Tân Việt xuất bản)
1957 – Tân Việt xuất bản: giảng luận về Tản Đà Nguyên Khắc Hiếu, giảng luận về Chu Mạnh Trinh, giảng luận về Tôn Thọ Trường và Phan Văn Trị.
1962 -
Tập thơ Mưa Nguồn
Tư Tưởng Hiện Đại
1963 -
Lá Hoa Cồn (thơ)
Ngân Thu Rớt Hột (thơ)
Màu Hoa Trên Ngàn (thơ)
Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại (hai tập) (do đứa em ..)
1965 – nhà cháy mất trụi bản thảo
In vội vàng Sa Mạc Phát Tiết (An Tiêm)
Dialogue (viết Avantpropos (viết giúp cho Nhất Hạnh, Lá Bối) và Letre à René char) (Lá Bối in)
Sa Mạc Trường Ca (An Tiêm in bản)
1968 –
Dịch Martin Heidegger Erlauteninger gu Heidergger dich. Giảng giải về thơ.
(Lời, Cố Quận (An Tiêm) Lễ Hội Tháng Ba) (Quế sơn Võ Tánh)
Con Đường Ngã Ba (An Tiêm)
Bài Ca Quần Đạo (Nguyễn Đình Vương)
1969 –
Bắt đầu điên rực rỡ
1970 -
1. Lang Thang Du hành Lục Tỉnh (Khách sạn Long xuyên Bà Chủ cho ở đầy đủ tiện nghi không lấy tiền)
2. Gái Châu Đốc Thương yêu và Gái Long Xuyên Yêu dấu
3. Gái Chợ Lớn Khiến bị bịnh lậu (bịnh hoa liễu)
1971 – 75 – 93
Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang
Rong chơi như hài nhi (con nít)
Được gia đình ông Phó Chủ Tịch (482) Lê Quang Định, Hội Đồng Thành Phố đối xử thơ mộng thênh.

Kính dâng Kim Thúy, Kim Hồng, Kim Hoa, đôi lời rốt cuộc -

Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô)

Do đâu mà ra được như thế ?

Đáp: Có lẽ đầu tiên kỳ tuyệt là do ân nghĩa bốn bề thiên hạ đi về tập họp tại Già Lam, Vạn Hạnh và Long Huê và Tịnh Xá Trung Tâm và Pháp Vân và xiết bao Chùa Chiền Miền Nam nước Việt, không biết nói sao cho hết...)

Nhe Răng

Ấy mộng đời đi với mộng rồi
Trời ơi trăng rớt ngó trăng rơi
Con ruồi con kiến con châu chấu
Bươm bướm chuồn chuồn cũng thế thôi
Em chẳng cùng tôi ngó nữa trăng
Thì thôi đuôi đứt con thằn lằn
Mần răng mà ngủ đêm đêm được
Rệp đốt không bằng nhớ đốt gan (và tim)
Can tràng đứt nát mỗi một phen
Mà chết điếng đời đã mấy phen
Hớt hải chạy theo vòi vĩnh thử
Hồng nhan từ đó cứ nhe răng.
Thưa Cô Nương
Tại hạ ra biển
Phen này lần ấy
Để nhìn cô nương tắm
Lúc bấy giờ bỗng dưng
Tâm hồn tại hạ biến ra
Làm nước biển
Vậy xin cô nương dừng ngay cuộc tắm
Kẻo mà đau đớn tâm hồn tại hạ vô cùng.

(theo: Mùa thu trong thi ca, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn, 1970)

***

II. Một chút về Phạm Đình Chương với Mắt Buồn.

phạm đình chương, nửa hồn thương đau

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, hình internet, TLYT bổ túc 

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. và qua đời vào năm 1991 tại California, Hoa Kỳ. Khi soạn nhạc ông ký bút hiệu Phạm Đình Chương, còn đi hát, chỉ trong ban hợp ca Thăng Long, ông có tên gọi ca sĩ Hoài Bắc.

Mắt Buồn được Phạm Đình Chương phổ Nhạc từ Thơ Lưu Trọng Lư và đề tặng cho nữ Ca sĩ  Lệ Thu.

Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê), Buồn đêm mưa (thơ Huy Cận), Cho một thành phố mất tên (thơ Hoàng Ngọc Ẩn), Hạt bụi nào bay qua (thơ Thái Tú Hạp), Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ), Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Heo may tình cũ (thơ Cao Tiêu), Dạ tâm khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền), Màu kỷ niệm (thơ Nguyên Sa)....

Sáng nay xin chia sẻ cùng Thân hữu: Mắt Buồn, nguyên tác bài Thơ: Một mùa Đông (Lưu Trọng Lư) của Nhạc sĩ tài danh Phạm Đình Chương.

Riêng Mắt Buồn, nguyên tác bài Thơ: Mắt Buồn (Bùi Giáng) của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, NNS đã chia sẻ cùng Thân hữu từ lâu.

***

Tạp ghi Văn nghệ:

Cung Tiến

Như cánh bướm mộng Tình yêu

Giở lại tập chương trình buổi ca nhạc hồi đầu tháng 4 năm 1986 ở thủ đô Hoa-thịnh Đốn do vợ chồng Lê Văn/Xuân-Lan tổ chức để kỷ niệm 40 năm âm nhạc Phạm Đình Chương, tôi không khỏi giật mình. Giật mình vì thấy trong số những người đóng góp, trực hay gián tiếp, cho buổi nhạc lần đó, hoặc tới dự với tư cách người nghe, thì một số lớn đã không còn nữa. Từ chính người viết nhạc (mất năm 1991), cho tới người hát (Hoài Trung, 2002), người viết bài giới thiệu (Vũ Khắc Khoan, tháng 9-1986; Vũ Thành, 1987; Mai Thảo, 1998), và người phác họa chân dung nhạc sĩ (Ngọc Dũng, 2000). Rồi trong đám đông khán giả đêm nhạc còn có mặt một nhà viết ca khúc nổi tiếng thuộc thế hệ tiên phong: Thẩm Oánh (1995). Chưa hết: người cùng quê với nhạc sĩ - Sơn Tây - và tác giả bài thơ nỗi tiếng được ông phổ nhạc và ca trong đêm ấy, Đôi mắt người Sơn Tây, là Quang Dũng, cũng đã ra đi vĩnh viễn, tại quê nhà, năm 1988.

Nhằm gây quỹ điều hành, Hội Ung Thư Việt Mỹ tổ chức Chiều Nhạc: Phạm Đình Chương, Mầu Kỷ Niệm vào ngày 21 tháng 9, 2003 tại Quận Cam, California. Bài này là một tuyển chọn các cảm nghĩ về Phạm Đình Chương rút từ tập chương trình buổi nhạc năm 1986 nói trên, của kẻ còn, người mất, với một vài thêm bớt, sửa đổi. Đó là những cảm nghĩ từ phía các người bạn thân thiết, và từ phía các bạn đồng hành của Chương.

Mai Thảo

Hoài Bắc Phạm Đình Chương

Bao nhiêu năm vẫn chỉ một con người, vẫn chỉ một phong cách. Ở giữa Hợp ca Thăng Long lẫy lừng như vì sao ở giữa, hoặc cây Tây-ban-cầm ôm trước ngực ngoài tiền trường mênh mông lỗi lạc một mình, Phạm Đìoh Chương với những ca khúc ở mãi cùng lòng người, và Hoài Bắc với tiếng hát nam tôi cho là hay nhất, vẫn là Hoài Bắc Phạm Đình Chương của một con đường, một cõi nhạc riêng.

Con đường ấy, suốt bốn mươi năm đã đi hết những buồn vui và những mộng tưởng một thời. Vẫn còn những biển khơi và những chân trời đi tới. Cõi nhạc ấy, trọn bốn mươi năm có tài năng và có tâm hồn làm thành mưa nắng, nên đã là một cảnh thổ và khí hậu hàng đầu của âm nhạc Việt Nam.

Cuối cùng là chẳng có một đổi thay nào. Sau bốn mươi năm, chúng ta vẫn yêu mến Hoài Bắc Phạm Đình Chương bằng một mến yêu không bao giờ thay đổi. 

Vũ Khắc Khoan

Nhân danh Tình Yêu, Tự Do, Con Người ...

Tự cõi nhạc Phạm Đình Chương bỗng vang lên những cung bậc lạ lùng.

Không đong đưa Đôi mắt người Sơn Tây, không tái tê Chân trời tím ngát. Mà chát chúa, tan tác, nổ dồn ngược dốc chiếc Lambretta ba bánh, rầm rập bước chân biểu tình nhân danh Tình Yêu, Tự Do, Người, la lên, hét lên những khẩu hiệu, những bàn tay gân guốc giơ thẳng lên trời, vươn lên những cột đèn, những bàn tay quấn quýt những bàn taỵ

Một tuổi trẻ lớn lên cùng giông bão, những đam mê, u uẩn, day dứt, sửng sốt, bàng hoàng, những đam mê hôm nay tuổi trẻ khóc trên vai.

Không Trần Dạ Từ, không Đinh Hùng, không cả Quang Dũng. Mà Thanh Tâm Tuyền. Thơ đã thành nhạc. Nhạc không chỉ là một phương tiện. Nhạc lấy lại địa vị một ngôn ngữ.

Và nhạc và thơ quấn quýt như âm và dương tìm đường trở về thái cực. Không giao duyên mà giao hoan rực rỡ, dị kỳ. Trong một ngôi nhà mái tôn mưa Sài Gòn đổ xuống. Tận cùng một hẻm cụt. Giữa một bidonville. Nhạc thét lên.

Cười lên sặc sỡ
La qua mái ngói, thành phố, đồng ruộng
Bấu lấy tim tôi
Thành nhịp thở.
Ngõ cụt đường làng, cỏ hoa cống rãnh,
Cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng(**). 

Vũ Thành

Mộng dưới hoa

Tác phẩm thành công nhất của Phạm Đình Chương, theo tôi, là Mộng dưới hoa, thơ Đinh Hùng phổ nhạc. Nét đặc thù của tác phẩm này là hơi nhạc tuy rất Việt Nam, mà lại được viết theo âm giai tây phương, chứ không cần đến ngũ cung như hầu hết các sáng tác có âm hưởng thuần túy Việt Nam khác. Ngoài ra, Mộng dưới hoa còn đặc biệt ở điểm rất cân đối và được cấu tạo như cung cách một bản nhạc "mẫu" trong các sách giáo khoa về sáng tác.

Câu nhạc đầu gồm 16 trường canh (mesures), chia làm hai bán cú. Bán cú thứ nhất được kết bằng một bán kết (cadence à la dominante) ở trường canh thứ tám ("... nhìn em không nói năng"...), nghĩa là gồm tám trường canh, được coi như một [dấu] chấm phẩỵ   Bán cú thứ hai gồm tám trường canh được chấm dứt bằng một toàn kết (cadence parfaite), coi như một dấu chấm câu.

Câu đầu như vậy là khai đề, câu giữa gồm tám trường canh với [lối] chuyển cung rất khéo léo làm thành những dị kết (cadences rompues) là một phá đề. Và câu kết lấy lại ý nhạc của khai đề để đi đến chung cục (cadence finale) coi như một chấm hết. Đó đúng là hình thức đúng đắn nhất của một sáng tác nhạc và luôn luôn được đem ra làm mẫu mực trong các sách giáo khoa về sáng tác (composition musicale).

Ngoài ra, Mộng dưới hoa còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó. Người phổ nhạc chẳng những phải lệ thuộc vào số chữ mà còn phải lựa cung bậc cho đúng luật bằng trắc của bài thơ, không như trường hợp phổ nhạc thơ Pháp hay thơ Anh, chỉ cần theo đúng số chữ mà thôi.  Vì vậy, thường thường các bài thơ Việt Nam được phổ nhạc đều viết theo thể tự do, không gò bó, thì mới theo sát được [âm] bằng trắc của từng chữ.

Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ đúng được bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương. 

Cung Tiến

Cánh bướm mộng

Nếu phải dùng một tính từ duy nhất để xác định đặc điểm của những ca khúc Phạm Đình Chương, thì có lẽ tôi sẽ chọn từ ngữ "đằm thắm".

Dường như bất cứ một bài hát nào của anh - từ những khúc mô tả một cảm xúc cá nhân (Xóm đêm), gợi lại một dĩ vãng (Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội, Nửa hồn thương đau), chia xẻ nhịp đập chung của trái tim tập thể (Ly rượu mừng, Đón xuân, Hò leo núi), đến những khúc lý tưởng hóa những tình tự dân tộc (Hội trùng dương, Bài ngợi ca tình yêu), và đặc biệt là những khúc hát làm thăng hoa ái tình (Mộng dưới hoa, Đêm màu hồng) - ta đều thấy cùng tỏa ngát ra, từ giai điệu hay lời ca, một hương thơm của tình cảm sâu sắc, đậm đà và tha thiết.

Ở Phạm Đình Chương người ta không thấy những đam mê giả tạo, những phẫn nộ gò ép, và nhất là rất hiếm thấy những hô hoán om sòm của loại văn nghệ tuyên truyền chính trị, dù là từ bên này hay bên kia giới tuyến ý thức hệ.

Ấy là những lý do tại sao hễ cứ bắt đầu hát hay nghe một ca khúc nào của Chương, là ta cứ không muốn cho nó chấm dứt, mà cứ muốn hát lại hay nghe lại ca khúc đó.

Ý nhạc (motif) của ca khúc cứ vương vất, lãng đãng như sương như khói trên không gian âm nhạc. Nò cứ bám chặt lấy ký ức người nghe, ngón tay người đàn, và bắt buộc họ phải nghe lại một lần nữa, dạo thêm một lần nữa.

Riêng về chất liệu và kỹ thuật tạo nhạc thanh của Chương, thì có thể nói rằng thế giới của anh đã hết rồi cái ám ảnh "ngũ cung", mà là thế giới chói chang của thang âm bảy nốt Tây phương không ngỡ ngàng, của điệu thức trưởng/thứ (major/minor modes) Tây phương không ngượng ngập, với những hợp âm quãng ba (tertian chords) là những viên gạch xây cất, với chủ âm tính (tonality) đóng vai đạo diễn, và với bậc thứ âm trên thang âm đóng vai đổi phông, thay cảnh ("chuyển giọng" hay"chuyển khóa"-modulation). Cung cách chuyển giọng của anh, vì thế, cũng rất là hiền lành và "cổ điển": công thức cơ bản của nhạc chủ âm (tonal music), đơn và thuần vậỵ

Nhưng dù được ươm trong rừng thảo mộc nào, phương Đông hay phương Tây, thì giai điệu và hòa âm (hàm ý) của anh cũng đã nở rộ thành những đóa hoa thơm, quý và hiếm. Những giai điệu và hợp âm ấy đêm nay sẽ rướn vút lên một lần nữa trong không gian âm nhạc, và như cánh chim bay đi sẽ chẳng níu lại được. Nhưng tôi nghĩ rằng ý nhạc của chúng sẽ còn phảng phất trong tâm tưởng người nghe như hương lan đêm. Sẽ còn chập chờn trong ký ức người hát như cánh bướm mộng. Và như phấn dư, như hương thừa của một loài hoa thơm và bướm đẹp, sẽ còn rơi rớt trên ngón tay của kẻ dạo đàn. Sẽ còn nồng, còn đậm dư vị ngọt đắng trêo đầu lưỡi của một ôm hôn tình ái/ Và rất xa xôi, mà gần gũi, như thoáng cười của nàng Mona Lisa. Bởi vô cùng đằm thắm.

(*) Tham dự buổi trình diễn năm 1986, ngoài Ban hợp ca Thăng Long (Hoài Bắc, Hoài Trung, Mai Hương), còn có các ca sĩ Kim Tước, Quỳnh Giao, Lệ Thu, nhạc trưởng Nghiêm Phú Phi với các nhạc công Đan Thọ, Hoàng Thi Thao, Dương Đức Trường, và Kim Lộc.

(**) Thơ Thanh Tâm Tuyền, trong Liên Đêm-Mặt trời tìm thấy (1966).

***

Thơ:

Lưu Trọng Lư

nhà thơ lưu trọng lư

Nhà thơ Lư Trọng Lư, hình wikipedia, TLYT bổ túc 

(Theo Vương Trí Nhàn: Người ấy là một thi nhân.

Ông sinh năm 1912 (người quê Quảng Bình), mất năm 1991 (tại Hà Nội).

Tác phẩm chính: Người sơn nhân (1933), Chiếc cáng xanh (1941), Khói lam chiều (1941), và nổi tiếng với tập thơ Tiếng thu (1939).

Trong số các tên tuổi một thời làm nên phong trào Thơ mới, tác giả Tiếng thu thường được các nhà nghiên cứu về sau xếp vào loại có công đầu (cùng với Phan Khôi, Nguyễn thị Kiêm...)

Lưu Trọng Lư là một trong những thi sĩ bẩm sinh với nghĩa hình như trời sinh ra ông để làm thơ. Không cần nghiêm chỉnh hay cao đạo gì hết, bề ngoài cứ vật và vật vờ vậy, ông sống giữa đời, lấy việc triền miên theo đuổi những câu thơ thức dậy trong tâm trí làm niềm vui thích.

Theo Nguyễn Vỹ: lúc viết, Trương Tửu nghiêm nghị, trầm mặc hàng giờ, viết bằng xong mới nghỉ, thì Lưu Trọng Lư cứ viết một lúc lại đi lang thang, rồi mới trở lại viết nữa. Có khi ông trở vào bàn thì tờ giấy đang viết dở đã bị gió cuốn bay đi đâu mất, ông lục lọi vài nơi, la hét vài câu, rồi ngồi xuống viết lại trên tờ giấy khác.

Lẽ cố nhiên, một người đã thường xuyên sống như trong mộng giữa đời thường, có hiện ra ngất ngư bảng lảng trong sinh hoạt văn chương, cũng là một điều dễ hiểu.

Thơ Lưu Trọng Lư đồng nghĩa với một cái gì đẹp dịu nhẹ mơ màng. Nó đồng lõa với người ta trong việc tạo ra một thế giới mông lung, từ đó thoát ra và vượt lên trên cuộc đời dung tục...).

Nắng Mới

Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.
Đã Khuya Rồi

Hoa lan quên nở trên giàn,
Nhớ ai em để tiếng đàn ngừng đưa?
Tiếc gì em, nửa đường tơ!
Cho hoa quên nở, trăng mờ quạnh soi....

Chờ em đêm đã khuya rồi
Rộn ràng lá đổ, vàng rơi đầy thềm.

***

Thơ:

(Từ "Ông Anh Thi sĩ"  Hồ Chí Bửu gởi: Khẩu khí có thua gì Bùi Giáng đâu..hi..hi..)

Hồ Chí Bửu

Gặp nàng

Em mang sông núi trên người
Ta mang cung kiếm. Cuộc đời oái ăm
Gặp nhau đêm hội trăng rằm
Cớ sao lại bước vào nhầm tử, sinh?

Phương xa

Trèo lên trên đỉnh sầu đông
Thấy bầy chim nhỏ đang đồng giao ca
Hỡi người lạ ở phương xa
Còn tìm đâu nữa bóng tà tịch xưa

Hờ hững

Nửa tối trở về nực nồng hơi rượu
Vợ ta nước mắt môi cắn môi
Nằm quay vô vách ta không nói
Rờ rún mà ngâm mẹ kiếp đời..

Xuất

Nửa đêm nằm mộng không ngờ
Sáng ra tắm rửa đề thơ tặng nàng
Cho hay suối ngọc vô vàn
Cửa thiền chặn lại cửa nàng mở ra

Trở lại

Ta quăng bình bát xuống sông
Bình trôi nước ngược lên dòng thượng lưu
Định về cởi áo đi tu
Gặp em đang tắm – còn tu nỗi gì !?

Về thôi

Ni cô tưới kiểng trước chùa
Thấy ta người hỏi vào chùa thăm ai ?
Thưa rằng đến viếng Như Lai
Gặp nàng tưới kiểng ta quay đầu về

Mộng

Đêm qua nằm ngủ mà mơ
Thấy tiên hiện đến trao thơ mời chầu
Trả lời rằng chẳng được đâu
Trần gian ta nợ nửa cầu gió trăng.

***

Good Weekend
Kính.
NNS

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc Lâm Yên Tử

free counters
un compteur pour votre site