lịch sử việt nam

Trang Chính

Bản Tin Blogs:

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Anh Ba Sàm:

Blog Cầu Nhật-Tân:

Blog Chu-Mộng-Long:

Blog Cu Làng Cát:

Blog Dân Làm Báo:

Blog Dân Oan Bùi-Hằng:

Blog Diễn-Đàn Công-Nhân:

Blog Giang-Nam Lãng-Tử:

Blog Huỳnh-Ngọc-Chênh:

Blog Lê-Hiền-Đức:

Blog Lê-Nguyên-Hồng:

Blog Lê-Quốc-Quân:

Blog Mai-Xuân-Dũng:

Blog Người Buôn Gió:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Blog Phạm-Viết-Đào:

Blog Quê Choa VN:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Diễn-Đàn Sửa Đổi Hiến-Pháp 1992:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Trí-Lực:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Weblinks:

 

 

Thư-Viện Bồ Đề Online

Xiển-Dưong Chánh Tín_Bài Trừ Mê-Tín Dị Đoan 

Thiền Trúc-Lâm

Nguồn: Phật Việt

Dẫn khởi:

Trên danh nghĩa, Trúc Lâm Yên Tử là Thiền tông. Nhưng trong tinh thần, cũng như trên thực tế tu tập và sự truyền thừa lịch sử của nó, Trúc Lâm phải được coi là một phái Thiền đứng ngoài Thiền tông Trung Hoa. Tất cả ý nghĩa này có thể được tóm tắt trong mấy câu thơ sau đây của Thiền tông Bản Hạnh (v.t: TTBH)

Bụt truyền tự cổ chí kim
Ai tin giá trị tri âm thiệt thà
Xem Thánh đăng lục giảng ra
Khêu đèn Phật tổ sáng lòa tam thiên
Việt nam thắng cảnh Hoa Yên
Sái tiêu cực lạc Tây Thiên những là
Vĩnh trấn cửu phẩm Di Đà
Phần hương chức Thánh quốc gia thọ trường.
(TTBH, tờ 19a, câu 699-706)

Đoạn thơ này cho chúng ta biết ít nhất là hai nét đặc sắc của Thiền Trúc Lâm. Nét thứ nhất, Trúc Lâm vẫn xứng danh như một phái Thiền chính thống, mà truyền thừa tâm ấn được khởi từ đức Thích Ca, rồi như ngọn đèn được khêu sáng qua nhiều thế hệ, cho đến Việt Nam[1 ]. Đó là tất cả ý nghĩa truyền thừa căn bản theo quan niệm Thiền tông chính thống Trung Hoa. Nét đặc sắc khác, liên hệ đến đường lối hành trì. Ở đây người ta thấy Trúc Lâm đã không đặt nặng sự thực hành công án để đốn ngộ đạo lý Thiền như trong truyền thống Thiền tông Trung Hoa. Thiền tông Trung Hoa kể từ nhà Minh về sau đã có sự thực hành công án bằng niệm Phật. Theo đó, niệm Phật vẫn có thể là phương tiện để đốn ngộ[2 ]. Trong khi đó, tác giả của TTBH lại nói đến lý tưởng vãng sanh, mà cấp bực thành tựu là chín phẩm sen vàng nơi cõi cực lạc. Nói một cách vắn tắt, phương pháp hành trì của Trúc Lâm nghiêng nặng phần tín ngưỡng tôn giáo. Động cơ hay bối cảnh của phương pháp này, như đoạn thơ đã trích dẫn nói rõ: «Phần hương chúc Thánh quốc gia thọ trường»[3 ]. Thế thì Thiền Trúc Lâm mang màu sắc chủ nghĩa quốc gia khá rõ. Và đây không phải là sự kiện khó hiểu, khi chúng ta biết rằng, tất cả những vị khai sáng ra nó đều là những người có trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của quốc gia dân tộc.

Trong hai nét đặc sắc vừa kể, nét thứ nhất xác định với chúng ta rằng, Trúc Lâm đích thực là Thiền tông. Nét thứ hai dành cho Trúc Lâm một vị trí địa dư và lịch sử trong truyền thống tư tưởng của dân tộc. Chương này sẽ trính bày nét thứ nhất. Trước khi trình bày các sự kiện liên hệ, chúng tôi xin dành ít trang nói về quan niệm truyền thừa của phái Thiền Trúc Lâm, để cuối cùng thiết lập một bản Phả Hệ Truyền Thừa của phái này.

Quan niệm truyền thừa được TTBH giới thuyết khá rõ, qua lời đối đáp của vua Trần Thái Tông và Phù Vân Quốc sư. Dưới đây là lời của Phù Vân Quốc sư:

Sơn bổn vô Phật làm xong
Phật ở trong lòng, Bụt tại mỗ tâm
Hiện ra nhãn nhĩ thanh âm
Từ mục tương cố chẳng tâm thời gì?
(TTBH, câu 235-238)

Một điểm khá lý thú đối với chúng ta là quan niệm về Thiền của tác giả Đại Chân Viên Giác Thanh (v.t: VGT). Theo đó, tác giả đã đồng nhất Thiền tôngThiền đăng. Nhìn từ bên ngoài, danh từ Thiền đăng, tức ngọn đèn của Thiền, chỉ có thể cho ta cái ấn tượng về lịch sử tiếp nối của tông phái như sự nối tiếp của ánh đèn. Nhưng ở đây tác giả VGT đi xa hơn nữa, khi ông giải thích:

«Trong đời các vị Đế thì coi thiên hạ là của công, không thể riêng cho con cháu mà tất phải truyền lại cho những bậc Thánh hiền, vì thế mới nảy ra cái thuyết Thiền (tức là chữ thiền có nghĩa là trao lại). Thiền ấy là tỏ nghĩa cùng trao truyền cho nhau vậy. Hiện nay các vị sư sau tiếp nối vị sư Tổ trước, thì gọi là thiền sàng. Thiền sàng tức là đem cái giường và chỗ ngồi mà trao lại, cũng như các vị Đế đem ngôi vua mà trao lại cho nhau vậy. Nhưng sự trao lại ấy không phải là trao lại cái ngôi vị mà chính là trao lại cái tâm.

«Đức Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ đem cái tâm lượng rộng lớn trao cho chư Phật, rồi chư Phật đều lấy (tờ 61a) tâm ấy là tâm của mình. Câu kệ nói:

Ngàn sông có nước ngàn sông nguyệt
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.»
(TTBH, câu 661-664)

«Như thế mơí gọi là Thiền. Nếu bằng chỉ trao lại cái ngôi vị mà không có cái tâm tinh nhất để trao thì có cần gì đến vua Nghiêu vua Thuấn.

«Hiện nay nhất thiết các tăng chúng chỉ thấy ngồi lặng tĩnh tâm thì gọi là Thiền Định, và dạy cho Thiền định tức là an định, như thế thực là mất cái nghĩa chữ Thiền. Mãi đến sau khi đức Đại Thiền sư phát minh ra nghĩa đó mới hiểu rõ hai chữ Thiền định có nghĩa là đem cái tâm an định mà truyền lại vậy. Gần đây ở chùa Đại Từ thuộc về Lam sơn, phía bên cạnh có một cái am gọi là am Thụ Thụ (chữ Thụ trên là trao cho, chữ Thụ dưới là nhận lấy) và bày thứ tự các tượng của các sư Tổ các đời kế tiếp, xem đó dù không biết cái tâm thụ thụ là như thế nào, song sự trao cho và nhận lấy đó có lẽ đúng với ý nghĩa chữ Thiền
(Nguyên văn: Để giả chi thế thiên hạ vị công bất tự tư, kỳ tử tôn nhi tất truyền chư Thánh hiền, thị dĩ hữu Thiền chi thuyết, thiền dã giả độ tương truyền thụ chi vị dã, kim hậu sư kế tiền Tổ sư, viết thiền sàng, viết thiền tòa, dĩ sàng dự tọa tương thiền, diệc do Đế giả chi dĩ vị tương thiền nhĩ. Khởi tri thiền bất dĩ vị nhi dĩ tâm. Quan Thế Âm Bồ Tát duy dĩ tâm lượng chi quảng đại thiền chư Phật, chư Phật các dĩ kỳ tâm vi tâm, kệ vân:

Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.

Giá phương vị chi năng thiền, nhược đồ thiền chi dĩ vị nhi vô tinh nhất chi tâm pháp dĩ thiền chi diệc hà thủ ư Nghiêu Thuấn? Huống khu khu sàng tòa năng bất quí nhân chi tôn tín giả tai.

Kim ngã nhất thiết tăng chúng đản kiến tĩnh tọa tức tâm vị chi Thiền Định, tiện huấn Thiền định vị an định, đại phu Thiện tự chi nghĩa, tự đại Thiền sư phát sinh chi hậu phương tri Thiền định giả, dĩ tâm chi tĩnh định tương truyền. Cận kiến Lâm sơn Đại bi tự, bằng hữu Thụ Thụ am, liệt chư đại tổ sư tượng, tuy bất tri thụ thụ chi tâm vi hà như nhiên, sở dĩ tương thụ thụ giả kỳ Thiền chi vị dư?) .

Đoạn văn được trích dẫn rất dài trên đây không những đã cho ta biết tính cách quan trọng về sự truyền thừa của Thiền, mà còn nói đến cái đặc sắc của Thiền Trúc Lâm, khi tác giả coi sự truyền thừa liên tục của Thiền y hệt như sự truyền thừa liên tục của một vương triều; tức là đã gói ghém bản chất vương giả của Trúc Lâm trong tinh thần Thiền học của nó. Vì thế, tác giả đã có lý khi tự phụ rằng chỉ riêng phái Thiền Trúc Lâm mới có nổi một sắc thái Thiền học đăïc biệt như vậy, cho dù Trung Hoa hay Ấn độ chưa chắc đã có người thực hiện được tinh thần hành động bao dung và phổ biến như dòng Thiền Trúc Lâm của Việt Nam ta.

Đằng khác, cũng trong một quan niệm truyền thừa khá nghiêm chỉnh như các tác phẩm được dẫn chứng ở trên, đoạn lược dẫn của Huệ Nguyên viết cho Thượng sĩ Ngữ Lục (v.t: TSNL) đã kê khai thứ tự truyền thừa của Trúc Lâm một cách liên tục và mạch lạc. Quan điểm then chốt của tác giả bài lược dẫn đó vẫn là: Phật Phật duy truyền tâm ấn, Tổ Tổ mật phú ấn tâm. Nhưng sự truyền thừa này được tác giả bài lược dẫn nối kết giữa các bậc tiền bối của Trúc Lâm với những truyền nhân cuối cùng của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng Vô Ngôn Thông được Thuyền Uyển Tập Anh (v.t: TUTA) coi như là thân truyền từ Bách Trượng.

Chúng ta đã dẫn chứng ba tác phẩm quan trọng của phái Trúc Lâm: TSNL, TTBH và VGT, mà tác phẩm nào cũng có thiết lập một phả hệ truyền thừa liên tục, từ đức Thích Ca trên hội Linh Sơn, rồi Bồ Đề Đạt Ma, rồi ngang qua các Tổ Thiền Trung quốc, sau cùng thì đến Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Trên đại thể, chúng đồng quan điểm về triết lý truyền thừa. Nhưng trong dữ kiện lịch sử mà chúng cung cấp, còn nhiều chi tiết cần khảo sát lại. Vậy chúng ta hãy thực hiện công việc khảo sát trong các mục dưới đây của chương này.

TIẾT MỘT
------------------------------------------------------------
LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA
CỦA
THIỀN TÔNG VIỆT NAM VÀ PHÁI THIỀN TRÚC LÂM.

Việt Nam bốn bể cửu châu
Hưng sùng đạo Bụt chợ quê khắp miền
Gió thung thổi lọt am hiên
Tinh thần sảng nhớ lòng Thiền chép ra
Trước kể tông phái Thiền gia
Ai ai học đạo xem hòa biết hay
Tây Thiên Thích Ca là Thầy
Truyền cho Ca Diếp liên rày A Nan
Tính được nhị thập bát viên
Hai mươi tám Tổ Tây Thiên thuở này
Đạt Ma Tổ mới phương tây                                                                                   
Vượt sang Đông độ truyền nay kệ rằng:
…………….        (TTBH, câu 17-28)

Đoạn thơ nôm trên đây được trích từ những lời mở đầu của TTBH. Chúng không cung cấp cho ta những dữ kiện cần thiết về sự truyền thừa của Thiền tông Việt Nam. Nhưng chúng đã quả quyết với chúng ta một điều rất nghiêm trọng: Nói tới Thiền tông là phải nói từ đức Thích Ca trở xuống, và tất cả Thiền tông ở Đông độ đều phải bắt đầu kể từ Bồ Đề Đạt Ma. Đúng như cung cách của Thông Biện khi trả lời cho Thái hậu nhà Lý về lịch sử Thiền tông Việt Nam. Vậy, tại Việt Nam, người ta đã nối kết như thế nào để có sự truyền thừa liên tục của Thiền tông? Cho đến nay, chúng ta vẫn không có giải thích nào có thẩm quyền hơn ngoài giải thích của TUTA. Theo đó, Thiền tông được gọi là tâm tông của Phật, ở Ấn thì bắt đầu với Ca Diếp; ở Trung Hoa, bắt đầu với Bồ Đề Đạt Ma; và ở Việt Nam, bắt đầu với Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Riêng sách Thiền uyển thống Yêú kế đăng lục của Như Sơn đời Hậu Lê lại không liệt kê danh tánh hai vị sơ Tổ của ngành Thiền tông Việt Nam vào trong thế hệ truyền thừa. Sách TTBH hình như cũng giống thuyết của Kế đăng lục (v.t: KĐL). Trong khi đó, bài lược dẫn trong TSNL hình như theo thuyết của TUTA, nên nối kết sự truyền thừa của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử với dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Chúng ta thử khảo sát giá trị lịch sử của các thuyết trên đây, chia chúng làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, lấy TUTA làm chính. Nhóm thứ hai, lấy KĐL làm chính đối chiếu với TTBH. Bởi vì, TUTA được cấu kết theo một hình thức bác học và làm lộ hẳn truyền thống sáng tác của Thiền tông, trong khi TTBH thuần túy là những lời ca dân giả, nên có thể coi là đại diện cho kiến thức về lịch sử Thiền tông của quảng đại quần chúng.

Thuyết của Thiền uyển tập anh: Tác giả của sách này có lẽ là môn hạ của phái Vô Ngôn Thông nên đã dành cho Vô Ngôn Thông và những người thừa kế một vị trí đặc biệt quan trọng. Dù vậy, ông chắc chắn không biết gì nhiều về thân thế của vị khai tổ của mình, ngoài những dữ kiện có sẵn trong Truyền đăng lục (v.t: TĐL), một quyển sử Thiền tông căn bản của Trung Hoa. Cái khó khăn cho chúng ta là không hiểu bằng cách nào Thông Thiền sư của TĐL lại là một với Vô Ngôn Thông củaTUTA. Mặc dù Tập anh có nói rằng, Vô ngôn Thông là một biệt danh mà người đương thời đặt cho, và biệt danh đó TĐL gọi là Bất Ngữ Thông. Thế thì tên thật của Thiền sư này không rõ là gì. Vã lại, TĐL chép sự tích của Thông Thiền sư đến lúc trở về nguyên quán, tỉnh Quảng Châu, trụ trì nơi chùa Hòa an, rồi thôi. Không thấy nói những sự việc liên quan đến sư về sau này nữa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta nói TUTA gán ghép Vô Ngôn Thông với Thông Thiền sư TĐL một cách gượng gạo. Hiển nhiên, còn đợi nhiều khảo cứu giá trị về vấn đề này.

Những thiếu sót của TUTA đối với Vô Ngôn Thông quá ít, nếu ta so với những gì mà sách nói về Tì Ni Đa Lưu Chi. Ngay cái nguyên quán của Thiền sư này, Tập Anh đã ghi chép một cách trái ngược nếu đối với các dữ kiện mà tài liệu sử của Phật giáo Trung Hoa cung cấp. Trước hết, Tập Anh nói rằng Tì Ni Đà Lưu Chi người gốc Nam Ấn, trong khi tác phẩm gần với Tì Ni Đa Lưu Chi nhất, Trường Phòng lục , lại ghi rõ là người nước Ô Trượng, thuộc miền Bắc Ấn. Rồi đến niên đại dịch kinh, chúng ta được biết Tập Anh phỏng chừng sáu năm trước năm Đại tường thứ 2 (580), đời nhà Chu. Nhưng Trường Phòng Lục lại cho biết rất rõ cả về năm cũng như tháng: Nhà Tùy, niên hiệu Khai Hoàng thứ 2 (582), tháng 2, Tì Ni Đa Lưu Chi dịch xong kinh Tượng đầu tinh xá, và cũng trong niên hiệu đó, tháng 7 dịch xong kinh Phương quảng Tổng Trì. Tập Anh không những chỉ mơ hồ về niên đại phiên dịch mà còn lầm cả tác phẩm phiên dịch, khi sách quả quyết kinh Bắc nghiệp sai biệt được Tì Ni Đa Lưu Chi phiên dịch, mà kỳ thực, kinh này do Pháp Trí dịch, cùng trong một thời gian và địa điểm với Tì Ni Đa Lưu Chi. Những dữ kiện vừa nói cho thấy TUTA có sử dụng tài liệu của lịch sử Phật giáo Trung Hoa, nhưng lại sử dụng một cách sai lạc . Vì thế chúng ta không thể không thận trọng đối với sự trình bày của Tập Anh về truyền thừa của Thiền tông Việt Nam. Bỏ ra ngoài tính cách bấp bênh trên giá trị lịch sử, chúng ta cũng có thề thử hỏi TUTA có thể cung cấp một vài chỉ điểm nào về tính cách truyền thừa của Thiền tông Việt Nam không? Nếu có thể trả lời một cách vắn tắt, chúng ta có thể ghi lại hai dữ kiện trong Tập Anh để làm luận chứng cho vấn đế.
Điểm thứ nhất, tính cách nhất quán của hai dòng Thiền được ghi trong Tập anh. Phân tích kỷ, chúng ta sẽ thấy rõ đa số các Thiền sư trong dòng Tì Ni Đa Lưu Chi đều có khuynh hướng thần bí, nghiêng nặng về tín ngưỡng tôn giáo nhân gian. Trong khi đó, đa số các Thiền sư thuộc dòng Vô Ngôn Thông nghiêng hẳn về phương diện văn học và tư tưởng.

Điểm thứ hai, chúng ta thấy rải rác trong các tiểu sử những dữ kiện được truyền tụng ở nhân gian hơn là có tính cách lịch sử khách quan .

Những gì mà được lưu truyền thịnh hành trong nhân gian, thì dù không có tính cách lịch sử cũng phải trở thành lịch sử. Luận chứng này cho phép chúng ta chấp nhận đường lối thiết lập thế hệ truyền thừa cho Thiền tông Việt Nam của TUTA.

Thế hệ truyền thừa của Thiền tông Việt Nam theo thuyết của TUTA, chúng ta có thể lập một đồ biểu đại lược như sau:


ĐỒ BIỂU A: TRUYỀN THỪA THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Theo Thiền uyển tập anh

Phật Tổ Thích Ca
Ca Diếp Tôn giả
(Thiền tông Ấn độ)
……………………

Bồ Đề Đạt Ma
(Thiền tông Trung Hoa)
……………………….

Tam Tổ Tăng Xán

Tứ Tổ Đạo Tín   

Ngũ Tổ Hoàng Nhẩn   

Lục Tổ Huệ

Tì Ni Đa Lưu Chi
(Thiền tông Việt Nam)

Nam Nhạc
Mã Tổ
Bách Trượng
………………
(……………..)    

Thanh Nguyên
……………

Thông Thiền sư
(Vô Ngôn Thông – Thiền Tông Việt Nam)
(………………………..)

phật giáo việt nam

Thuyết của Kế đăng lục (v.t: KĐL) Theo lời tựa của Hòa thượng Phúc Điền, viết cho lần trùng khắc vào năm Tự Đức thứ 12 (1859), thì tác phẩm được mô phỏng theo Ngũ đăng Hội nguyên, chia thế hệ truyền thừa theo năm nhánh của Thiền tông Trung Hoa, mà trong số đó có hai nhánh là Lâm tế và Tào động được truyền vào Việt Nam. KĐL chép thứ tự truyền thừa của hai nhánh này. Về nhánh Lâm tế, ở Việt Nam bắt đầu với Chuyết Công. Nhánh Tào động bắt đầu với Thủy Nguyệt. Mặc dù lời tựa ấy có nhắc đến Ngũ đăng Hội nguyên, nhưng tác phẩm này chỉ chép tiểu sử các Thiền sư Trung Hoa đến đời thứ 14, tính theo dòng Nam Nhạc, và đời thứ 15 tính theo dòng Thanh Nguyên. Trong khi đó, Chuyết Công chỉ có thể thuộc vào đời thứ 37 tính theo dòng Nam Nhạc. Sau Ngũ đăng Hội nguyên được viết vào năm Sùng trinh thứ 17 (1644), tác giả là Tĩnh Trụ; chép từ đời thứ 15 của Nam Nhạc vào thứ 16 của Thanh Nguyên. Chúng tôi tìm thấy một tác phẩm khác, nó cung cấp cho ta nhiều chi tiết quý giá cho việc thiết lập sự liên lạc truyền thừa giữa các ngành Thiền tông Trung Hoa đến Việt Nam. Đó là Ngũ đăng Toàn thư, tác giả là Siêu Vĩnh, viết vào năm Khang Hi thứ 12 (1692). Niên đại này xác nhận Siêu Vĩnh đồng thời với Chuyết Công, hoặc thầy của Chuyết Công. Tác phẩm này quý giá ở chỗ nó cho biết niên đại sinh hoạt của các Thiền sư cho đến thầy trò của Chuyết Công, điều mà KĐL không đá động gì đến. Vì không cốt ý đi sâu vào chi tiết, nơi đây chúng tôi chỉ xin đơn cử trường hợp đối chiếu điển hình, giữa Ngũ đăng Toàn thưKế đăng Lục.

Trước hết, cũng nên ghi nhận lối trình bày phả hệ truyền thừa theo KĐL. Theo đó, sách chép Ca Diếp là Tổ thứ nhất, rồi lần lượt tính liên tục ngang qua Trung Hoa cho đến Việt Nam. Như vậy, thay vì chép Huệ Năng là tổ thứ 6 theo thông lệ thì sách ghi là Tổ thứ 33. Và cũng theo thông lệ của các quyển sử Thiền Trung Hoa, người ta ghi thứ tự truyền thừa của năm dòng Thiền theo hai nhánh lớn là Nam Nhạc và Thanh Nguyên. Thí dụ: thay vì ghi rằng Lâm Tế thuộc đời thứ 4 của Nam Nhạc. KĐL ghi là đời thứ 38; tức là kể từ Ca Diếp truyền đến đã được 38 đời. Dưới đây là ba thế hệ Chuyết Công, thuộc phả hệ Nam Nhạc, theo Ngũ đăng Toàn thư.

-Kế đăng Lục: Tổ thứ 37, Thiên Đồng Mật Hòa thượng. Theo Ngũ đăng Toàn thư: Dòng Nam Nhạc đời thứ 33, Thiên Đồng Mật Vân Viên Ngộ Thiền sư, tịch năm Vạn lịch thứ 12 (1584) .

-Kế đăng Lục: Tổ thứ 8, Lâm Dã Kỳ. Ngũ đăng Toàn thư: Nam Nhạc đời thứ 34, Thai Châu phủ, Thông Huyền Lâm Dã Thông Kỳ Thiền sư, tịch năm Nhâm Thìn trong niên hiệu Thuận Trị (1652) .

-Kế đăng Lục: Tổ thứ 69, Ẩn Mật Hòa thương. Ngũ đăng Toàn thư: Bảo An Nhị Ẩn Mật Thiền sư, tịch năm Giáp Dần đời vua Khang Hi (1664) .

Về vị kế tiếp, KĐL ghi là Nam sơn Trạng nguyên Tăng Đà Đà Hòa thượng, truyền nhân của Ẩn Mật. Như vậy sư thuộc đời thứ 36 của Nam Nhạc. Ngũ đăng Toàn thư dành tất cả 20 quyển để chép tiểu sử của các thiền sư thuộc đời này. Nhưng trong số đó chúng tôi đã không tìm thấy danh tánh của Tăng Đà Đà, do đó không biết niên đại đích thực. Cứ theo sự tích mà KĐL chép, sư rất có thịnh danh đương thời; thịnh danh ấy vang dội đến cả triều đình. Triều đình đây chắc hẳn là triều vua Khang Hi. Với thịnh danh ấy chúng tôi chưa hiểu lý do tại sao tác gỉa của Ngũ đăng Toàn thư không biết đến. Hiển nhiên, theo niên đại viết Ngũ đăng Toàn thư, năm 1669 và năm tịch của Ẩn Mật, 1664, thì tác giả hẳn là đồng thời, hay ít nữa là trẻ hơn, đối với Tăng Đà Đà.

Truyền nhân của Tăng Đà Đà là Chuyết Công. KĐL chép: Tổ thứ 72, Mân Diện Thanh Chương Hải Trừng văn Chuyết Công Hòa thượng. Chuyết Công người quê ở Thiện sơn (?), có lẽ trong vùng Chiết giang, Trung Hoa . Sau khi đắc pháp với thầy là Tăng Đà Đà, sư vào Việt Nam, mở đường cho phái Thiền Lâm Tế tại đây. Chuyết Công truyền pháp cho Minh Lương, rồi Minh Lương truyền cho Chân Nguyên, tác giả TTBH . Vì Chân Nguyên trụ trì tại chùa Long động trên núi Yên Tử, nên có liên hệ mật thiết với phái Thiền Trúc Lâm của ta. Có lẽ chính vì thế nên TTBH mới nói:

Điều ngự cổ Phật tái lai
Tông giáo trong ngoài phó chúc tuân y
Thiệt dòng Lâm Tế tông chi
Pháp phái Vĩnh thùy Yên Tử Thiền Lâm

(TTBH, câu 755-758)

Nghĩa là, Tổ thứ nhất của Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tôn, hiệu Điều Ngự Giác Hoàng, vốn là cổ Phật tái thế, thuộc dòng Thiền Lâm Tế.

Theo những dữ kiện kể trên, chúng ta có thể thiết lập một đồ biểu phả hệ truyền thừa của Thiền tông Việt Nam như sau:

ĐỒ BIỂU B: TRUYỀN THỪA THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Theo Kế đăng lục

Quá khứ Thất Phật
……………………
1. Ca Diếp
……………………
28. Bồ Đề Đạt Ma
……………………
33. Huệ Năng
………………………………
34. Thanh Nguyên; 34. Nam Nhạc
……………………………                                          
38. Động sơn (Tào Động); 38. Lâm Tế (Lâm Tế)
……………………………                                            ……………………
……………………………                                            ……………………(?)
Trần Nhân Tôn (Trúc Lâm)
72. Nhất Cú ; 72. Chuyết Công  …………
73. Thủy Nguyệt 73. Minh Lương   …………
74. Tông Diên (Diên) 74. Chân Nguyên
   ……………                                                         
Trong đồ biểu B, không những cho thấy thứ tự truyền thừa của Thiền tông Việt Nam, mà còn vạch ra gốc tích của phái Thiền Trúc Lâm và hậu thân của nó. Gốc tích nầy TTBH chỉ nói một cách mơ hồ, do đó, đồ biểu B, nơi hàng 38. Lâm Tế, chúng tôi gạch nối đường ngang nối qua đầu hàng Trần Nhân Tôn, mà phía trên hàng Trần Nhân Tôn có một dấu hỏi. Trong khi đó, dòng truyền thừa vẫn liên tục từ Ca Diếp trở xuống, cho đến hàng Chân Nguyên. Phía trên hàng Chân Nguyên, chúng tôi kéo một đường ngang nối với cột Trần Nhân Tôn diễn ra nơi Chân Nguyên.

Chúng ta có một đồ biểu về sự truyền thừa của Trúc Lâm, in trong TSNL. Đồ biểu này có lẽ do Huệ Nguyên thiết lập, khi Sư viết bài lược dẫn của Ngữ Lục ấy, vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763). Xin ghi ở đây những chi tiết chính của đồ biểu đó:

ĐỒ BIỂU C: TRUYỀN THỪA THIỀN TÔNG VIỆT NAM
theo Thượng sĩ ngữ lục.

Thông Thiền

Tức Lự

Ứng Thuận

Tiêu Dao

Tuệ Trung

Trúc Lâm

Pháp Loa

Huyền Quang

Chúng ta được biết rằng, Thông Thiền, Túc Lự và Ứng Thuận là ba vị Thiền sư trong những thế hệ cuối cùng của Vô Ngôn Thông. Theo TUTA. Như vậy, hiển nhiên Trúc Lâm là một phái Thiền hậu thân của phái Vô Ngôn Thông.

Khảo sát các đồ biểu được thiết lập ỡ trên, chúng ta thấy rõ hai quan niệm khác nhau về sự truyền thừa của Thiền Tông Việt Nam qua TUTA và KĐL. Đối với TUTA, mặc dù các Tổ thiền của Việt Nam đều có gốc tích từ Trung Hoa, nhưng sự truyền thừa không theo thế hệ Trung Hoa một cách chặt chẻ. Trong thế hệ Trung Hoa, Thiền Tông được phát triển theo năm chi nhánh, trực thuộc dưới hai dòng chính tông là Thanh Nguyên và Nam Nhạc. Thế hệ này là căn bản của Truyền Đăng Lục, mà các quyển sử Trung Hoa sau đó hoàn toàn mô phỏng theo. Ở TUTA, Tì Ni Đa Lưu Chi xuất hiện trước Huệ Năng, nên có thể đứng riêng ngoài thế hệ chính tông của Trung Hoa là điều hiển nhiên. Vô Ngôn Thông, trực thuộc dòng chính tông Nam Nhạc của Trung Hoa, nhưng TUTA lại kể Cảm Thành là thế hệ thứ nhất, cho đến thế hệ thứ 15 là Ứng Thuận, đồ biểu của TSNL (xem đồ biểu C) đặt vào hàng tiền bối của phái Trúc Lâm Việt Nam. theo sự trình bày này, tất cả các ngành Thiền Tông Việt Nam đều có một vị trí riêng biệt, không nằm trong truyền thừa chính tông Trung Hoa. Và như vậy, Thiền Tông Trung Hoa và Thiền Tông Việt Nam chỉ là bà con.

Ngược lại, KĐL cố gắng đặt Thiền Tông Việt Nam vào phả hệ truyền thừa chính tông của Trung Hoa. Mặc dù sách này ghi thứ tự của các thế hệ Thiền kể từ Ca Diếp liên tục trở xuống, nhưng vẫn không ra ngoài sự chi phối của quan niệm truyền thừa của các tác giả Trung Hoa. Do đó, trong đồ biểu truyền thừa mà chúng tôi thiết lập theo KĐL (xem đồ biểu B) đã không có hai phái Thiền khởi thủy của Việt Nam là Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Sự liên hệ giữa phái Trúc Lâm và nhánh Thiền Lâm Tế được ghi trong đồ biểu B của chúng tôi là căn cứ theo TTBH. Mối liên hệ này không những đã không chứng tỏ được tinh thần độc lập của Thiền Tông Việt Nam, mà còn cho thấy đà phát triển thoái hóa của nó . Ở đây theo chúng tôi, ngay từ khởi thủy, Phật giáo Việt Nam đã không phải là con đẻ của Phật giáo Trung Hoa dù không phải là không có những liên hệ mật thiết. Hai phái Thiền Việt Nam, Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, đã đóng góp không ít cho tinh thần độc lập và tự chủ của dân tộc, mà lịch sử đã chứng tỏ qua sự nghiệp của Vạn Hạnh và Khuông Việt. Rồi đến phái Trúc Lâm thì tinh thần độc lập trong tư tưởng Phật học Việt Nam đã lên đến cao độ. Sáng tổ của Trúc Lâm không còn là hậu duệ của Bồ Đề Đạt Ma, mà ít ra cũng là ngang hàng, nên mới có hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng. Danh từ này vốn chỉ cho đức Thích Ca.

Như vậy, trong lịch sử truyền thừa của Thiền tông Việt Nam, Trúc Lâm có một vị trí rất lớn, nếu không nói là điểm đồng qui. Rồi chúng ta sẽ thấy, trên lãnh vực tư tưởng cũng như trong đường lối sinh hoạt, Trúc Lâm đã là điểm đồng qui của mọi chiều hướng phát triển của tư tưởng Việt Nam, cả trong và ngoài Phật giáo.

ĐỒ BIỂU D: PHẢ HỆ THIỀN TÔNG VIỆT NAM VÀ PHÁI TRÚC LÂM.

Phật Tổ Thích Ca
…………………
1. Ca Diếp
(………………..)
         28. I.     Bồ Đề Đạt Ma (Trung Hoa)
29. II.   Huệ Khả
30. III.  Tăng Xán
31. IV   Đạo Tín                       (1)       Tì Ni Đa Lưu Chi  (VN)
32. V    Hoàng Nhẫn                (2)       Pháp Hiền
33. VI   Huệ Năng                      n)
34. I      Thanh Nguyên          34.I      Nam Nhạc   (XIX)  Y Sơn
            35. II     Thạch Đầu                35.II     Mã Tổ
36. III    Dược Sơn                 36.III    Bách Trượng
37. IV    Vân Nham                37.IV   Hoàng Bá    37.IV Vô Ngôn Thông
                                                                                                            (VN)
38.V      Động Sơn                  38. V    Lâm Tế
                                                                                                (1) Cảm Thành
39        (.……….)                                  (………)
                        (…..……)                                  (..……..)
                        (………..)                                  (………)                 (15) Ứng Thuận
                        (………..)                                  (………)                  (?)   Tiêu Dao
                        (….…….)                                  (………)        (?)   Tuệ Trung
                        (…….….)                                  (………)        (i)    Trúc Lâm
                        (……… .)                                  (………)              (…………..)
          72          Nhất cú 7                      2.          Chuyết Công         (….……….)
(Việt Nam)

Ghi chú:
          -Số Ả Rập, chỉ cho dòng Thiền liên tục kể từ Ca Diếp trở xuống.
          -Số La mã lớn chỉ cho dòng Thiền chính tông Trung Hoa, trước Huệ Năng.
          -Số La ma nhỏ: các phái Thiền Trung Hoa sau Huệ Năng.
          -Những số còn lại trong ngoặc: các dòng Thiền Việt Nam.

TIẾT HAI
-------------------------------------------
CÁC TIỀN BỐI CỦA PHÁI THIỀN TRÚC LÂM

 Nói đến các vị tiền bối của Trúc Lâm tức là nói đến gốc tích của nó. Cái học và cái hành của các vị này sẽ cho chúng ta biết phong thái sinh hoạt của Phật giáo trong khoảng đầu nhà Trần. Trong các tiểu sử sẽ được trình bày dưới đây, chúng ta cũng nên để ý trước hết về vai trò của Cư sĩ. Họ là Cư sĩ, nhưng đương thời, hay về sau, được liệt vào danh sách những người nối tiếp ngọn đèn chấp pháp, duy trì cái tông chỉ tâm yếu của Phật. Đó là một thời kỳ đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Trong thời đó, triết lý hành động của đại thừa, nhất là Đại thừa Thiền tông, được phát huy và được thực hiện một cách đáng mệnh danh là viên dung vô ngại.

Danh hiệu của những vị mà chúng tôi trình bày ở đây, trước hết căn cứ theo đồ biểu trong bài lược dẫn của TSNL, và kế đó, là cuộc đời của họ, được viết theo những tài liệu mà chúng tôi hiện có. Tài liệu này không nhiều lắm, nhưng chúng cũng thủ vai trò chứng tích lịch sử một cách khá đầy đủ. Dù sao, điều mà chúng ta cần có là biết và hiểu một phần nào thái độ hành động của họ; để rồi trong những phần khác, chúng ta có thể hiểu những gì đáng gọi là điểm then chốt trong phái Thiền Trúc Lâm.

Theo đồ biểu trong TSNL, về các tiền bối của Trúc Lâm, trước hết chúng ta có Thông Thiền, Tức Lự và Ứng Thuận. Đó là ba vị Thiền sư thuộc các thế hệ thứ 13, 14 và 15 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Tiểu sử của họ được chép trong TUTA. Ta có thể ghi lại như sau:

I. THÔNG THIỀN.

Thiền Uyển Tập Anh cho biết, đời thứ 13 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông gồm có 5 vị, trong số đó, ba vị khuyết lục. Hai vị còn lại đều là truyền nhân của Thiền sư Thường Chiếu.

Thông Thiền, hay Thông sư Đại sĩ, người làng Oác hương, huyện A la, họ Đặng. Buổi đầu, cùng với bạn là Quách Thần Nghi đồng thờ Thường Chiếu, ở chùa Lục tổ làm thầy. Một hôm, sư vào thất để thỉnh ích , hỏi:

-Thế nào thì được gọi là đã giác ngộ Pháp Phật?

Thường Chiếu đáp:

-Phật Pháp không thể giác được thì làm gì có cái pháp giác ấy.

Qua lời đó, Sư lĩnh hội yếu chỉ. Rồi sau, trở về quê của mình. Kẻ tăng người tục kéo đến học hỏi rất đông. Phàm ai hỏi, Sư đều đem tâm ấn mà ấn chứng cho.

Có người hỏi:

-Người xuất thế là người thề nào?

Sư đáp:

-Không phải thấy đạo của cổ nhân là gì, mà cứ quán rằng năm uẩn đều không, bốn đại là vô ngã. Cái chân vốn vô tướng, không đến cũng không đi. Lúc sinh, tánh không đến, lúc chết, tánh không đi. Tâm và cảnh nhất như, tròn đầy và vắng lặng. Nếu có thể tỏ ngộ ngay được chỗ đó như vậy, không còn bị buộc ràng vào trong quá khứ, hiện tại hay vị lai. Ðó là người xuất thế. Điều trọng yếu là đừng mảy may nhắm tới một mục đích nào cả.

Hoặc có người hỏi về ý nghĩa vô danh, Sư đáp:

-Phân biệt các uẩn ấy, thấy rằng tánh của chúng vốn không tịch. Vì là không cho nên không thể diệt. Đó là ý nghĩa vô sinh.

Hoặc có kẻ hỏi về lý vô sinh, Sư đáp:

-Nhờ soi tỏ thấy các uẩn, mới làm hiển lộ tánh không. Tánh không thì không hề diệt. Đó là lý vô sinh.

Có thầy Tăng hỏi: Phật là gì? Sư đáp:

-Bổn tâm là Phật. Vì vậy, Đường Tam Tạng Huyền Trang nói rằng: Nếu tỏ rõ được tâm đạo, đó gọi là Tổng trì, tỏ ngộ pháp vô sinh, đó gọi là siêu giác.

Sư tịch vào năm Kiến trung thứ 4 (1228) đời nhà Trần.

Sư tịch vào lúc Trần Thái Tông sáng nghiệp được bốn năm. Giai đoạn giao thời giữa nhà Trần và nhà Lý hẳn là có những biến chuyển trọng đại trên phương diện xã hội. Chúng ta không hiểu những biến chuyển này ảnh hưởng đến tư tưởng Thiền tông đến mức độ nào. Một sự kiện trong tiểu sử của Quách Thần Nghi, bạn đồng học của Thông Thiền, có lẽ cho ta một ít tin tức. Đó là vào năm Kiến gia thứ 6 (1216), trước khi mất, Quách Thần Nghi trao cho đồ đệ mình là Ấn Không bản đồ phả hệ của Thiền tông Việt Nam do Thông Biện thiết lập. Bản đồ này, Quách Thần nghi nhận từ thầy của mình, mà cũng là thầy của Thông Thiền, là Thường Chiếu. Cái gây cho chúng ta ngạc nhiên ở đây là Quách Thần Nghi hỏi Thường Chiếu về nguồn gốc tông phái của mình:

-Con theo thờ thầy đã lâu năm, thế mà chưa biết người bắt đầu truyền đạo này là ai. Mong thầy chỉ dạy cho biết thứ tự các đời truyền pháp.

Một câu hỏi tương tự cũng đã được TUTA chép trong tiểu sử của Thông Biện. Nhưng nó được đặt ra từ bà Thái hậu nhà Lý nên sự kiện không đáng ngạc nhiên mấy. Nhưng một trăm năm sau được nhắc lại từ miệng của một truyền nhân trong dòng Thiền Vô Ngôn Thông, tức là cùng một dòng nối Thông Biện. Thế thì, hóa ra sự tiếp nối của các đời chỉ trong khoảng một trăm năm mà đã mất hết dấu vế lịch sử. Như vậy, chúng ta có thể quả quyết mà không nhầm lẫn rằng, dòng Vô Ngôn Thông trong khoảng đầu triều đại nhà Lý, rực rỡ với những Thiền sư lỗi lạc như Viên Chiếu (1090), Cứu Chỉ (1067), Thông Biện (1134), Mãn Giác (1090)… đến cuối đời nhà Lý thì đã tàn lụi, chỉ còn lại một vang bóng. Dù vậy, trong tiểu sử của Thường Chiếu, Tập Anh cho biết Thường Chiếu có soạn một tác phẩm mang danh Nam tông tự Pháp đồ, lưu hành ở đời. Rất tiếc chúng ta không có bản đồ này để khảo sát những biến chuyển trong vòng một trăm năm của Thiền tông Việt Nam, mà hậu quả sau cùng chắc chắn là sự xuất hiện của Trúc lâm.

II. TÚC LỰ.

Sư người quê ở làng Chu Minh, phủ Thiên Đức, trụ trì chùa Thông Thánh. Khi tuổi còn nhỏ, đã ham học hết thảy sách sở thế tục. Rồi một hôm, bỏ tất cả những sở học mà thờ Thông Thiền Đại sĩ làm thầy, học thấu chỗ uyên áo của thầy. Có lần, trong ngày giải sư, Sư  đặt máy bắt được một con chim, đem dâng Thông Thiền, Thông Thiền gạn hỏi: «Con đã làm Tăng mà còn phạm giới sát, không sợ quả báo ngày sau sao?» Sư đáp: «Bất cứ vào thời nào, con cũng chẳng thấy các vật đó, cũng không thấy có thân của mình, và cũng chẳng biết có quả báo sát sinh.» Bởi cớ đó, Thông Thiền coi Sư là người pháp khí, nên đặt vào hàng đệ tử nhập thất. Lại ấn chứng riêng cho rằng: «Nếu con mà dùng được cái khoảnh đất đó, thì dù có làm ra tội ngũ nghịch, thất già, cũng có thể thành Phật.» Ngay lúc ấy, có thầy Tăng gần đó lén nghe được, Sư bèn kêu lên: «Khổ thay, dù có cái chuyện đó, con cũng chẳng nhận.» Thông Thiền mới lớn giọng: «Giặc! Giặc! Cần gì phải nhờ đến hạng phi nhân mới xong! Qua lời đó, Sư lĩnh ngộ. Về sau, trở về chùa Thông Thánh giảng dạy và nghiên cứu tông chỉ của Thiền. Đệ tử tâm đắc của Sư là Cư sĩ Ứng Thuận, cũng là truyền nhân của Sư.

Không thấy nói Sư mất vào năm nào. Sư có bạn đồng học là Thiền sư Hiện Quang. Cả hai cùng thờ Thông Thiền làm thầy. Nhưng Hiện Quang chẳng may được Hoa Dương Công chúa trọng để cho đến nỗi bị đời dèm phá, nên về sau, Sư lánh mình trong núi trải qua 10 năm. Vua Lý Huệ Tông có sai sứ đến thỉnh, nhưng Sư cũng từ chối. Sư mất năm Kiến gia thứ 1 (1221), trước năm mất của Thông Thiền 7 năm.

III. ỨNG THUẬN.

Ứng Thuận, hay Ứng Vương, là đời thế hệ cuối cùng của Vô Ngôn Thông trong TUTA. Thế hệ này, có 7 người, mà tiểu sử chỉ còn lại duy một Ứng Vương. Người phường chợ Võ, họ Đỗ, tên húy là Văn. Tánh dững dưng, không hay bon chen với thế sự. Trong triều Chiêu lăng, tức triều vua Trần Thái Tông, ông làm quan đến chức Trung phẩm Phụng ngự. Những lúc rỗi rảnh, thường để hết tâm trí vào việc học Thiền, tay không rời sách, dò cho tới tận cùng ý chí của Tổ, tỏ rõ được tâm tông. Trong hàng môn phái của Thông thánh Tức Lự, ông đã đạt đến chỗ ẩn mật, nên Thiền sư Tức Lự không ngại mà không trao tâm ấn Thiền tông cho. Sau khi được truyền tâm ấn, ông là người tai mắt trong giới học Thiền, mà thịnh danh có thể so với các Thiền sư đương thời như: Nhất Tông Quốc sư, Tiêu Dao, Giới Minh, Giới Viên… không thấy TUTA nói đến năm mất. Trần văn Giáp trong Phật giáo Việt Nam phỏng chừng rằng có lẽ Ứng Thuận đồng thời với tác giả của TUTA nên sách mới không ghi được năm mất cuả ông. Đằng khác, theo đồ biểu phả hệ Thiền Trúc Lâm trong TSNL, chúng ta biết rằng Tiêu Dao là truyền nhân của Ứng Thuận, hay Ứng Vương. Thế thì, khi TUTA ghi nhận thịnh danh của Ứng Vương cũng ngang hàng với Nhất Tông, Tiêu Dao… Sự ghi nhận đó ám chỉ như thế nào? Tuy vậy, ở đây chúng ta cũng có thể đưa ra một ghi nhận riêng về tiểu sử của Ứng Vương. Oâng là một cư sĩ, làm quan đến chức Trung phẩm Phụng ngự, lại là truyền nhân của Thiền; sự kiện ấy có thể cho phép chúng ta ức thuyết rằng, khoảng đầu nhà Trần, Thiền tông Việt Nam đã có một thái độ hành động rõ rệt, Chắc chắn ông là người mở đầu cho tinh thần Thiền tông của phái Trúc Lâm. Điều đáng tiếc là chúng ta biết rất ít về tư tưởng của ông. Tập Anh chỉ nói là ông đã đạt đến chỗ uyên áo của Thiền, và nhất là dòng Thiền Vô Ngôn Thông, bấy giờ truyền đã được 15 đời, kéo dài trên dưới năm thế kỷ.

IV. TIÊU DAO.

Ông là thầy của Tuệ Trung, trụ ở Phước đường, nên cũng gọi là Phước Đường Đại sư. Về gốc tích, chúng tôi chưa rõ là đâu. Bản hành trang của Tuệ Trung Thượng sĩ, do Pháp Loa viết, chỉ thấy nói Đại sư là thầy của Tuệ Trung, ngoài ra không cho biết gì thêm. Vã lại, TUTA cũng có nhắc đến. Vậy thịnh danh của Đại sư không phải là nhỏ. Một số thi văn của Tuệ Trung có nói riêng về Đại sư. Xin lục ra cả dưới đây để làm tài liệu.

Vấn Phước Đường Đại Sư Tật.

Phong thủy đáo thời ba hốt động
Hỏa tân giao xứ diệm tài sinh
Phương tri tứ đại nguyên vô tế
Nhất nhiệm duyên lưu kiếm các hành.

Việt dịch của Trúc Thiên:

Hỏi thăm bịnh của Đại sư Phước Đường.

Gió nước nhồi nhau liền sóng nổi
Lửa, rơm chạm phải ngọn liền sinh
Mới hay bốn đại đều không thực
Gươm sắt lầu son mặc ý tình.

Thượng Phước đường Tiêu Dao Thiền sư.

Cửu vi phong thể
Kiều lý hoang thôn
Thân tuy thiên ngoại chi Sâm thương
Ý hữu kính trung chi loan phượng
Nhàn xướng vô sinh chi khúc
Dụng thù pháp nhũ chi ân
Lạm trát già đà
Thượng trình hạ tọa
Thân tuy phì độn ngụ hương quan
Tứ trọng ân tham vị cảm hàn
Ý chuyết tiểu phùng thiêm ý khí
Tâm hôì cô thủ thốn tâm đan
Xuân hồi hư đối khai đào diệp
Phong khởi không văn kích trúc can
Đường nhật đáo gia tham vấn bãi
Một huyền cầm tử thỉnh kim đàn

Tâm lai thỉnh vấn cổ chùy Thiền
Tướng mạo kỳ di tráng thả kiên
Huệ Khả thân tàm bì tủy ký
Triệu Châu thiên dữ hạc qui niên
Tu tri thế hữu nhân trung Phật
Hưu quái lô khai hỏa lý liên
Trân trọng già đà tùy hứng lễ
Kỷ đa nạm khước tỉ nhung đàn.

Việt dịch của Trúc Thiên:

Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Tịnh xá Phước Đường.

Hèn lâu xa ánh sáng
Ơû gởi chốn hoang thôn
Thân tuy ngoài cõi Sâm với thương
Ý vẫn trong gươm loan và phượng
Nhàn nhã ngâm khúc vô sanh
Hầu đáp ân thầy mớm sữa
Trộm có lời thơ tụng
Cúi dâng lên tháp tòa

Thân tuy cục mịch ngụ quê này
Bốn trọng ân nào dám lãng khuây
Ý vụng sớm nhờ thêm ý khí
Lòng tàn riêng giữ chút lòng ngay
Xuân về ngắm lững hoa đào nở
Gió động nghe hở khóm trúc lay
Ngày trước đến nhà thăm hỏi hết
Nay đàn xin thỉnh khúc không dây

Thoát qua thăm hỏi cổ chùy Thiền
Tướng mạo mười mươi được khoẻ bền
Tòng thẩm tuổi theo rùa hạc thô
Thần Quang đạo rút tủy đa truyền
Vẫn hay Phật sẵn trong đời có
Đừng lạc sen bừng giữa lửa lên
Trân trọng dâng theo lời tụng viếng
Có gì lễ mọn chút quà riêng.

               Phước đường cảnh vật.

Phước đường cảnh trí dĩ tức dương
Lại hữu thiền phong tập tập lương
Li lạc tiêu sơ trừu duẫn sấu
Môn đình u thúy tịch tùng hoang
Vị phùng thời thái hiền nhân xuất
Thả hỉ lâm thâm thụy thú tàng
Tảo vân lão thiên khai Phật nhật
Thông môn đào lý lộng xuân quang.

Trúc Thiên dịch:
Cảnh vật Phước đường:

Phước đường cảnh vật chính là đây
Nương ngọn gió thiền mát mẻ thay
Then lỏng cửa sân lùa bụi rậm
Tre thưa rào dậu búp măng gầy
Thời chưa gặp đấy ra hiền thánh
Núi khá vui nhiều án phượng qui
Hôm sớm trời già khai Phật nhật
Lối đào bỏ ngõ lộng xuân đầy.

V. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ.

Về cuộc đời của Thượng sĩ, có lẽ đầy đủ nhất là bản Hành Trạng do Pháp Loa, Tổ thứ hai của Trúc Lâm viết. Nhưng bản tiểu sử đó không chép tên thật, mà chỉ nói, Thượng sĩ con của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương. Trong khi đó, lời dẫn cuối sách, nói là trích Hoàng Việt Văn Tuyển, quả quyết rằng, Thượng sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo. Đối chiếu với bản Hành trạng của Pháp Loa, chúng ta bắt gặp một nghi vấn lớn. Nguyên văn Thượng sĩ Hành trạng viết: «Thượng sĩ Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương chi đệ nhất tử, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu chi trưởng huynh.» Viết như vậy có nghĩa rằng Thượng sỹ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương. Và là anh cả của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Thái hậu là mẹ vua Trần Nhân Tôn, được tôn làm Hoàng Thái hậu với tước hiệu đó do vua Trần Nhân Tôn, tức vị năm 1278. Sử chép, bà là con gái thứ năm của Yên Sinh Vương Trần Liễu, tên thật là Thiều, làm vợ vua Trần Thánh Tông, được phong làm Thiên Cảm Hoàng hậu. Xét theo đó, nếu Thượng sĩ có tục danh là Trần Quốc Tảng, con của Trần Hưng Đạo, thì Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu là em của Trần Hưng Đạo chứ không thể là em của Trần Quốc Tảng. Phải chăng Tuệ Trung Thượng Sĩ không có tên thật là Trần Quốc Tảng như Hoàng Việt Văn tuyển chép?

Về năm mất của Thượng Sĩ, Hành trạng chép là năm Trùng hưng thứ 7, tức năm 1291, đời vua Trần Nhân Tôn. Sử chép, Hưng Nhượng vương Quốc Tảng chết năm Hưng long thứ 21, Quí Sửu, tức năm 1313, đời vua Trần Anh Tôn. Sai lạc đến 12 năm.

Còn hai sự kiện khác về Hưng Thượng Vương Quốc Tảng, chúng tôi xin dẫn ra đây để rộng đường suy luận. Sự kiện thứ nhất, liên quan đến việc dan díu giữa Trần Khắc Chung, người viết bài bạt cho Thượng sĩ ngữ Lục, với Huyền Trân công chúa. Trớc đó, Huyền Trân Công chúa được vua Nhân Tôn, bấy giờ đã là Thượng Hoàng, gả cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý. Nhưng năm Hưng Long thứ 15 (1307), Chế Mân mất. Theo tục lệ Chiêm Thành, Công chúa phải bị hỏa thiêu. Khắc Chung được lịnh lập mưu đón Công chúa về. Hai người tư thông với nhau, nên đi đường biển để kéo dài ngày. Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng ghét vụ này, nên mỗi khi gặp Trần Khắc Chung thường mắng rằng: «Người ấy đối với nước là bất tường, họ tên là Trần Khắc Chung, thì nhà Trần có lẽ hết vì người này chăng?» Khắc Chung sợ nên thường phải lẫn tránh.

Sự kiện khác, liên quan đến cái thù nhà của Hưng Đạo Vương, vì vụ Trần Thái Tông cướp vợ của anh là Yên Sinh Vương Trần Liễu. Khi Liễu chết, có ý dặn Hưng Đạo phải trả cái thù nhà này. Nhưng Hưng Đạo đặt nước lên trên thù nhà. Về sau, có lần ngài giả vờ hỏi Hưng Vũ Vương Quốc Nghiện rằng: «Cổ nhân giàu có cả thiên hạ, để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?» Quốc Nghiện thưa rằng: «Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ.» Ý là cản Hưng Đạo trả thù nhà, không cướp ngôi vua. Hưng Đạo rất bằng lòng. Sau lại đem câu hỏi Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng nói ngay: «Tống Thái Tổ là người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ.» Tức có ý khuyên Hưng Đạo thừa cơ hội mà cướp lấy ngai vàng. Hưng Đạo Vương giận lắm, rút gươm muốn giết đi. Quốc Tuấn nói: «Sau khi ta chết, đậy nắp áo quan đâu vào đấy xong rồi, sẽ cho Quốc Tảng vào viếng khóc.»

Hai sự kiện trên đủ chứng tỏ con người của Quốc Tảng, khác hẳn phong tư tiêu sái, không màng thế vị công danh của thượng sĩ. Vậy chúng ta có thể quả quyết, Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng không phải là Thượng sĩ như lời dẫn ở cuối TSNL, nói là căn cứ Hoàng Việt Văn tuyển.

Cuối cùng, Thượng sĩ là ai? Thì bản Hành trạng đã nói rõ: Là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái vương, tức là con của Yên Sinh Vương Trần Liểu, anh cả của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, và là anh cả của nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Khâm Minh là tước hiệu của Trần Liễu, như Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản kỷ VI, có nhắc tới trong một lời chú. Theo đó, năm Hưng long thứ 7 81299), đời vua Trần Anh Tôn, mùa hạ, tháng 4, ngày 12, xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh Đại Vương và Thiện Đạo Quốc Mẫu. Và đây là lời chú của đoạn này: «Khâm Minh tôn húy là Liễu. Thiện Đạo tên húy là Nguyệt. Thiện Đạo là phu nhân của Liễu.»

Khâm Minh Đại vương, tức Yên Sinh Vương Trần Liễu có năm người con, mà bà Thiên Cảm là con thứ năm như sử đã chép. Ngoài ra, sử chỉ nhắc đến hai người khác nữa, mà trên hết là Vũ Thành Vương Doãn, anh của Trần Hưng Đạo Quốc Tuấn. Vũ Thành Doãn về sau chạy sang Tống muốn làm phản, bị quan biên cảnh bắt giải về, sau đó bị tước mất họ Trần. Còn Hưng Đạo Vương thì chúng ta đã biết rất nhiều. Người lớn nhất có lẽ là Thượng Sĩ. Còn một người nữa là ai, không biết tra cứu vào đâu.

Về tước hiệu Hưng Ninh Vương , bản Hành trạng chép là sau khi Đại vương (Trần Liễu) mất, vua Thái Tôn cảm nghĩa phong cho Thượng Sĩ tước Hưng Minh Vương. Trần Liễu mất năm Nguyên Phong thứ nhất (1252), đời vua Trần Thái Tông, không thấy sử chép việc phong tước cho Thượng Sĩ.

Đến đây, có lẽ chúng ta khỏi phải nghi ngờ về những gì mà bản Hành trạng của Pháp Loa ghi chép đối với cuộc đời cũng như nhân cách của Thượng Sĩ. Theo đó: «Lúc nhỏ, Thượng Sĩ đã tỏ ra bẩm chất cao sáng, thuần hậu có tiếng. Được cử trấn giữ quân dân đất Hồng Lộ, ngài đã hai lần ngăn giặc Bắc xâm lăng, có công với nước, rồi lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ trấn cửa Thái Bình.

Còn về con người, Thượng Sĩ vốn khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Lúc còn để chỏm, ngài đã chuộng cửa Không. Đến tham vấn Thiền sư Phước Đường Tiêu Dao, ngài lãnh hội được yếu chỉ, bèn dốc lòng thờ làm thầy, lấy thuyền duyệt làm cái vui hằng ngày. Không lấy công danh làm chỗ sở thích. Ngài lui về ấp Tịnh bang do vua phong cấp cho, và đổi tên là Vạn Niên.

Trộn lẫn thế tục, hòa cùng ánh sáng, trong việc đối xử ngài chưa hề phụ lòng ai, nhân có tiếp được một giống pháp, dìu dắt người sơ cơ. Người nào đến hỏi han cũng đợc ngài chỉ qua chỗ cương yếu khiến tâm tánh họ ứng dụng được nhẹ nhàng, khi hành cũng như lúc tàng, không gì là nhất định cả.

Đằng khác, bài bạt của Trần Khắc Chung lại quả quyết rằng: «Nếu không có Thượng sĩ, thì đức Phật Hoàng (tức vua Trần Nhân Tôn) không thể thành tựu được lớn lao trong đạo Thiền.» . Như vậy cũng đủ xác nhận vị trí trọng yếu của Thượng sĩ trong việc thiết lập một thế hệ mới, cho Thiền Tông Việt Nam của vua Trần Nhân Tôn. Phái Thiền đó quả đã không thẹn với những lời ca tụng của TTBH:

Nước Nam dẹp được bốn bên
Vì có Phật bảo hoàng thiên hộ trì
Đời đời Phật đạo quang huy
Quốc Gia đỉnh thịnh cường thì tăng long
Nhân Tông gặp thầy Tuệ Trung
Làm đệ nhất tổ Nam cung nước này.
…………………………

(TTBH, câu 661-666) 

Lý tưởng thịnh hóa của đạo Phật và lý tưởng thịnh trị của Quốc gia, cả hai đều được thực hiện nơi con người của Thượng sĩ, và những truyền nhân của Thượng Sĩ về sau.

KẾT LUẬN 

Ngoài các tiền bối được mô tả ở trên, còn một người đã giữ vai trò lịch sử và tư tưởng quan trọng đối với Thiền Trúc Lâm. Đó là Trần Thái Tông mà chúng tôi xem là nhân vật khai sáng cho dòng Thiền này. Chính vì vai trò quan trọng của nó mà chúng tôi đặc biệt nói về Trần Thái Tông trong một tiết của chương II.

Ngoài ra, TTBH còn cho biết đương thời còn ít nhất là hai Thiền sư khá có ảnh hưởng. Nhưng chắc là không ảnh hưởng trực tiếp đến Thiền Trúc Lâm. Vị thứ nhất, TTBH không nhắc tên, mà chỉ nói đại khái:

Thuở ấy Thiền sư Trúc Lâm
Thấy vua thuyết vậy bội phần khá thương
Trí không tâu động thánh hoàng
Được lòng thiên hạ mới lường rằng bi.

………………………
(TTBH, câu 269-272)

Đây là đoạn Trần Thái Tông bỏ vào núi. Sử chép vua trốn vào núi Yên Tử nơi Phù vân Quốc sư đang trụ trì. Vậy «Thiền sư Trúc Lâm» mà TTBH nhắc tới không ai khác hơn là Phù Vân Quốc sư. Lời khuyên của Quốc sư, mà bài tựa của Thiền tông Chỉ Nam của Trần Thái Tông còn nhắc tới, cho thấy một quan niệm hành động, chắc chắn quan niệm đó là căn bản của phái Thiền Trúc Lâm. Lời khuyên thứ nhất của Quốc sư nhắm vào ý hướng khát khao tuyệt đối của Trần Thái Tông:

«Núi vốn không có Phật, Phật tồn ở nơi tâm, Tâm yên lặng mà biết, ấy gọi là Pật thật. Nay nếu nhà vua giác ngộ được tâm này thì lập tức thành Phật, không phải khó nhọc tìm ở bên ngoài vậy.» .

Lời khuyên thứ hai của Quốc sư nhắm giải quyết tâm trạng không dứt khoát của nhà vua; nó quan trọng đến độ TTBH nhấn mạnh bằng cách trích luôn nguyên văn hán, chen giữa những câu thơ lục bát:

«Phù vi nhân quân giả, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm, dĩ thiên hạ chi dục vi dục. Kim thiên hạ dụ nghinh, nguyện bộ hạ qui chi. Nhiên nội điển chi cứu, vô vong tu tâm luyện tánh nhĩ.» Kẻ làm đấng nhân quân thì phải lâý tâm của thiên hạ làm tâm của mình, lấy cái ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, Nay thiên hạ muốn rước, xin bệ hạ hãy về đi. Song, việc nghiên cứu nội điển, không quên tu tâm luyện tánh là được.

Và đoạn thơ lục bát viết:

Nay đoạn thầy phó chúc vua
Dẫu về trị nước đế đô kinh thành
Ngày thì xem việc triều đình
Đên thì hằng nhớ tụng kinh toạ thiền
Phật Pháp là đại nhân duyên
Con cả nối nghiệp thay quyền lại đi.
(TTBH, câu 273-278)

Sau Phù Vân Quốc sư, chúng ta được biết còn có Đại Đăng Quốc sư. TTBH viết:

Đại Đăng Quốc sư là Thầy
Thánh Tông đắc đạo mừng thay thuyết rằng
Tiền đăng lại điểm hậu đăng
Một Bồ Đề nở những lòng ông cha.
(TTBH, câu 401-404) 

Bản lược dẫn của Thượng sĩ Ngữ lục cũng xác nhận cho chúng ta về điểm này: «Riêng Đại Đăng Quốc sư truyền cho vua Trần Thánh Tông…» Ngoài ra, chúng ta không có biết gì thêm.

Hai vị Quốc sư vừa được nhắc đến, bổ túc cho các tiền bối trực tiếp của Trúc Lâm, chúng ta có thể thấy phong thái sinh hoạt của Phật giáo trong khoảng đầu nhà Trần. Như vậy cũng đã đủ thay cho những lời kết luận của chúng ta ở đây.q

Đinh Quang Mỹ
                                                                                    
[1] Quan niệm này cũng được Hòa thượng Phúc Điền xác nhận trong bài tựa viết cho Đại nam Thiền Uyển Kế đăng lục, bản trùng san năm Tự Đức thứ 12: "Kế thế Truyền đăng vi hà tự hồ? Tây thủy tổ Ca Diếp, Châu Mục vương chi thời, đông tị tổ Đạt Ma, Lương Vũ Đế chi thế. Nam sơ tổ Vô Ngôn Thông, Đường Huyền Tông chi đại. Dữ phù Phật chi thọ ký, tổ chi truyền đăng, quốc chi thanh sử, tộc chi gia phả, kế vãng khai lai, thượng hạ tương thừa, cổ kim bất dị tam gia chi bản giả."

[2] Về niệm Phật và thực hành công án của Thiền tông Trung Hoa, có thể đọc trong Thiền Luận bộ trung của Susuki, bản dịch Việt ngữ của Tuệ Sỹ.

[3 ] Lý tưởng thịnh hóa của Phật đạo và thịnh trị của quốc gia rãi rác nhiều chỗ trong Thiền tông Bản Hạnh. Dẫn thêm một đoạn khác:

Nước Nam đẹp được bốn bên
Vì có Phật bảo hoàng thiên hộ trì
Đời đời Phật đạo quang huy
Quốc gia đỉnh thịnh cường thì tăng long.      

Tam Tổ Hành Trạng, bản dịch Việt ngữ của Trần Tuấn Khải, tr. 93-94.

Sách đã dẫn (x.c.t.6, Ch I), phần chữ Hán, tờ 60b-61b.

Nguyên danh là Lịch đại tam bảo ký, do Phí Trường Phòng viết, nên cũng được gọi là Trường phòng lục.

Những khảo chứng về thân thế và niên đại của Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, xem bài «Những cuộc vận động của các Thiền sư Việt Nam cuối nhà Đườn», Tuệ Sỹ, Tạp chí Tư Tưởng, số 5, năm 1972.

Thí dụ, trường hợp Cao Biền, mà sử ta tán tụng như một vĩ nhân, thì trong Thiền uyển tập anh, nêu các tiểu sử của Định Không, La Quí  (các Thiền sư thuộc dòng Tì Ni Đa Lưu Chi), lại coi những công tác của Biền là Trấn Yểm, và đã gọi Cao Biền là giặc.

Ngũ đăng Toàn thư, quyển 64.

Ngũ đăng Toàn thư, quyển 68.

Ngũ đăng Toàn thư quyển 78.

Không rõ đại danh nầy, nhưng tra nơi Từ Hải, chúng tôi thấy có chữ "Tiệm thủy", và được giải là tên một con sông trong vùng Chiết Giang, cũng được gọi là Khúc thủy. Về những địa danh, khác như: Mân điện, Thanh chương, chúng tôi không biết là đâu.

Kế đăng Lục chép truyền thừa của phái Lâm Tế đến Chân Nguyên là dứt.

Chúng tôi muốn nói đến sự lệ thuộc giữa Thiền tông Việt Nam đối với Trung Hoa càng ngày càng quá chặt chẽ.

Một trong những cách vấn đáp giữa đệ tử và Thiền sư, được phần dương Thiện Chiếu tổng kết thành 18 cách, và gọi là «Phần dương thập bát vấn.» Thỉnh ích là cách thứ nhất. Xem Thiền luận, bộ trung, bản Việt ngữ của Tuệ Sỹ.

Hoàng việt Văn tuyển (bản dịch của Nguyễn Đình Diệm, tr 109), chép bài «Phóng cuồng ca» của Tuệ Trung hượng sĩ, ghi là của Trần Quốc Tảng, kèm theo lời chú: «Trần Ninh Vương Quốc Tảng (Hưng Đạo thứ tử), lưỡng khước thát binh, tứ trấn Hồng lộ quân dân, hậu thối chư tịnh bang (kim vĩnh lại huyện, an quảng xã cho phong ấp, cải vi Vạn Niên thôn, tự hiệu Tuệ Trung Thượng sĩ. Thường biến chu du Cửu khúc giang, ngâm thi…»

Cũng nên để ý rằng Hoàng Việt Văn tuyển chỉ chép là Ninh Vương Trần Quốc Tảng, chứ không nói là Hưng Ninh Vương như lời dẫn ở cuối Thượng Sĩ Ngữ lục.

Thượng sĩ Ngữ lục, bản Việt văn của Trúc Thiên, tr. 195.

Cf. Nguyễn Đăng Thục, Triết học Trần Thái Tông.

Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử

Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:

facebook

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters

un compteur pour votre site