Trúc Lâm Yên Tử
Trang Sử VIỆT Đề Tên Người Quả Cảm - Khí Hào Hùng Rạng Ngời Mãi Ngàn Sau

Tình Chiến Hữu

1, 2

Giao Chỉ, San Jose.
(Chuyện đầu năm 2011 viết tặng ông đại tá Tập thể Nguyễn Mạnh Tường).

  Anh em thăm viếng ngồi chờ tại bệnh viện Bascom, San Jose.

 

...

Đọc lại Tiểu sử.

Nghe lời anh em, tôi về đọc lại tài liệu.Trước tiên là tiểu sử ông này hết sức đặc biệt. Bắt đầu từ trung úy nhẩy dù đã tham gia đảo chánh ông Diệm. Trong lúc tư lệnh Nguyễn Chánh Thi và ông Liễu chạy qua Cambốt, thì ông Tường và anh em bị đi tù Côn Đảo cùng cụ Phan khắc Sửu. Trải qua 4 năm từ 1960 đến 1964 mới trở lại quân đội, sau cùng về sư đoàn 22 bộ binh với cấp bậc trung tá.

Đại tá công binh Nguyễn văn Chức về làm tỉnh trưởng Bình Định bèn yêu cầu tổng tham mưu và quân đoàn đưa về mấy chục ông trung tá để tăng cường cán bộ cho mặt trận duyên hải của vùng II chiến thuật. Từ đó trung tá Nguyễn Mạnh Tường trở thành anh hùng của vùng đất ngày xưa là quê hương Bắc Bình Vương, Nguyễn Huệ. Sau Bình Định ông về làm đại tá tư lệnh phó cho tướng Lê Nguyên Vỹ, sư đoàn 5 và trải qua 13 năm tù cải tạo. Cho đến năm 93 còn bị kết án thêm 12 năm tù phản nghịch. Mãi đến 1998 mới được quốc tế can thiệp rồi HO qua Mỹ 1999. Ông xa gia đình từ 1975, vợ con vượt biên đi Úc, và từ ngày đó đến nay chưa gặp lại.
 
        
  Những trang chiến sử.

Tiểu sử Nguyễn Mạnh Tường đã ly kỳ khác biệt, nhưng trang chiến sử của ông mới thực là phi thường. Đất tung hoành của ông một thời là Quy Nhơn, Bình Định. Một tỉnh lớn nhất của miền Nam với 14 quận, 10 ngàn cây số vuông. 120 cây số dọc từ Cù Mông xuống Bình Khê. 90 cây số ngang từ biên giới Pleiku xuống bờ biển Phương Mai. Đây là chiến trường thử lửa của các đơn vị danh tiếng nhất của cộng sản và liên quân Việt Mỹ. Các đơn vị Hoa kỳ lần lượt tham chiến tại Bình Định là Sư đoàn không kỵ số 1, Sư đoàn 101 bộ binh, Lữ đoàn dù 173, và sư đoàn Mãnh hổ Đại Hàn. Phía Việt Nam có 2 Trung Đoàn của sư đoàn 22 bộ binh, 18 tiểu đoàn địa phương quân, 12 đại đội biệt lập, 620 trung đội nghĩa quân. Bình Định cũng là nơi có trên 10 tiểu khu trưởng thay phiên nhau. Trước sau chỉ có một mình tiểu khu phó Nguyễn Mạnh Tường là nổi bật.

Thành tích của ông Tường là xử dụng địa phương quân đánh giặc như tổng trừ bị của tổng tham mưu. Ông cả gan giả lệnh của quân đoàn để điều động thiết giáp tham chiến. Xin biệt động quân qua đường đi huấn luyện để tham dự hành quân.

Với quyết tâm và tài dùng binh của cấp sư đoàn, ông đã tạo chiến thắng Ba Gi lừng danh vùng II chiến thuật. Với mưu trí và nhiệt huyết can trường, ông đã cứu được căn cứ không quân Phù Cát thoát khỏi trận tấn công khốc liệt của cộng sản.

Và cũng chính con người đó, say men với binh đoàn, nên vợ con từ Saigon ra thăm, chờ đợi 2 tuần không gặp phải quay về. Phải chăng đây là nguyên nhân sự tan vỡ gia đình không hàn gắn được 35 năm sau.
 
Đoạn kết của câu chuyện tình:

Trong số anh em cùng khóa, anh Thọ Đan là một trong những người thân tín và biết nhiều về bạn Tường. Anh biết từ đầu đến cuối cuộc tình và cũng là người được Tường ủy nhiệm chính thức về các quyết định y khoa khi người bệnh không tỉnh lại. Từ Côn Đảo trở về, chính cụ Phan khắc Sửu làm mai mối cho anh Tường lập gia đình với con một ông Bang Trưởng người Việt gốc Hoa. Cuộc tình duyên như thế phải chăng là lý do cho định mệnh chia cắt sau này.

Anh chị sinh được 2 con, một trai, một gái. Cuối tháng 4 năm 75, một lần nữa anh bỏ cơ hội ra đi cùng gia đình để lên sống những giờ cuối cùng với Sư đoàn 5. Sau này, khi anh đi tù thì chị và gia đình gốc Hoa vượt biên qua Úc. Từ đó không hề liên lạc. Khi anh được trả tự do, đã vào chùa ở Saigon đóng vai cư sĩ. Tại đây anh có dịp cưu mang giúp đỡ một cô bé bất hạnh. Cô này hiện đã trưởng thành, có gia đình bên Đức và là dưỡng nữ còn liên lạc với cha nuôi. Khi HO vào Mỹ, anh Tường đã có lần qua Úc nhưng vẫn không gặp được vợ con. Chuyện gia đình phức tạp và hết sức tế nhị chỉ còn lại những tin tức rất mong manh. Con trai Nguyễn Mạnh Tuân hiện là bác sĩ, cô con gái Nguyễn Tường Ngọc Hương trở thành phi công lái máy bay thương mại. Chẳng hiểu duyên cớ vì sao mà bây giờ các con chưa tìm gặp lại thân phụ. Hay là phép lạ trùng phùng chưa đến lúc xẩy ra vào giây phút cuối. Từ Việt Nam qua Hoa Kỳ, Nguyễn mạnh Tường vẫn nương náu cửa chùa. Từ chùa Saigon đến chùa San Diego. Rồi tuổi già đưa anh vào nursing home.

Sau cùng bạn Vì Dân, Thọ Đan đưa ông Vì Dân, Mạnh Tường từ San Diego về Half Moon Bay, tại dưỡng đường cao niên ở miền Nửa vừng trăng khuyết.

Tại đây lại có cuộc tao ngộ trùng phùng của 2 tay đảo chính, Đại tá Phạm văn  Liễu, gốc thủy quân lục chiến đã nằm chờ đại tá Nguyễn Mạnh Tường, gốc nhẩy dù. Một ông đã ngoài 80 và một ông đã hơn 7 chục. Trong tình chiến hữu thì vẫn là huynh đệ chi binh. Lại thêm hoàn cảnh cũng là những tay hảo hán Bắc Kỳ, một thời chọc trời khuấy nước.

Cùng nằm một phòng tại quán trọ cao niên cạnh ghềnh đá của thị trấn bên con đường liên tỉnh lộ số 1, ngó ra biển Thái Bình. Mãnh sư mũ đỏ và cọp biển mũ xanh bây giờ đều là những anh hùng thấm mệt. Bằng hữu một thời tuy còn lai vãng nhưng chẳng thể nào gần nhau như trong doanh trại ngày xưa. Một ông vợ chết ngồi xe lăn, đẩy ra đẩy vào lại gặp ông bị vợ bỏ.

Rồi sau cùng bác Phạm văn Liễu ra đi cũng âm thầm như khi ông đến bãi biển Nửa vừng trăng khuyết.

Khi anh em tổ chức tưởng niệm ông Liễu ở San Jose thì ông Tường đến dự. Rồi tai nạn xảy ra. Ghé ở nhà anh bạn trẻ vong niên, đêm khuya ông lúng túng một mình, nước sôi nhà tắm lột mất nửa người. 911 gọi đến để Bascom đón người anh hùng vào nằm ở phòng hồi sinh đã mấy tuần mà vẫn chưa tỉnh.
 
Tình chiến hữu.

Nhắc đến tình chiến hữu chung quanh ông Tường, anh Thọ Đan nói rằng người nối vòng tay lớn chính là Vì Dân, Vũ trọng Mục. Ông Mục nốt kết anh em từ trong ngục tù ra ngoài thế giới tự do. Từ tiểu khu Bình Định đến sư đoàn 5, và ông động viên cả con cháu trong nhà. Kỹ sư Oánh ở Union City cũng phải công nhận. Tình chiến hữu còn hơn anh em ruột thịt.

Câu chuyện anh hùng xưa, nhớ thời niên thiếu đến đây xin tạm ngưng. Nhưng càng tìm hiểu càng thấy mối tình chiến hữu trong buổi hoàng hôn thật hết sức lạ lùng. Mỗi ngày đều có anh em kể chuyện mới về ông Tường và gửi hình ảnh của các bạn đến thăm ngồi dài ở nhà thương Bascom.

Còn chuyện bên hành lang mới thực là ly kỳ. Số là khi 2 ông Liễu và Tường vào nhà dưỡng lão bên bờ biển, Mỹ hỏi là nếu có chuyện thì các bác muốn sống bằng máy nằm chờ hay chấp nhận đi luôn. Hai ông già nói rằng bây giờ còn nằm chờ gì nữa. Xin chọn đi luôn. Mỹ bèn đeo vào tay 2 ông colonel mỗi ông một chiếc vòng để khi hữu sự không cần sống bằng máy móc. Xin để chúng tôi đi luôn. Bác Liễu thì đã đi luôn nhẹ nhàng, nhưng bác Tường may mà có chiến hữu vào kịp để chạy giấy tờ đại diện tháo cái vòng đi luôn. Nhờ vậy ông còn được chạy chữa đến hôm nay.

Chuyện hành lang lại kể rằng, bác Tường có qua Úc thăm vợ con. Nhưng vợ không nhận chồng. Thấy bà đi ngang qua rồi đi thẳng. Con Mãnh sư chiến trường Bình Định bây giờ đã thành một cư sĩ hiền lành, đành nuốt lệ quay về.

Chàng có thể nghĩ rằng:

“Em đi qua đời anh, không thấy gì sao em?”

Nàng đã có suy tư khác.

“Ông trở về dang dở đời tôi”.

Cũng tại hành lang nhà thương, chiến hữu lại bàn. Bây giờ nếu thầy Tường qua khỏi phải chăng lại về Half Moon Bay. Nếu ông đi luôn, rồi đây ai chẳng đi luôn, thì tang lễ làm sao. Nghe các ông khóa Vì Dân nói rằng sẽ không hỏa thiêu. Anh em chúng tôi sẽ chôn cất để sau này gia đình còn viếng thăm. Chuyện gia đình, không ai biết chắc được, có thể họ bay qua kịp thời. Nếu không sau này các con ông sẽ đến thăm, nếu không con thì các cháu sẽ đến thăm. Và các chiến hữu sẽ đến thăm..

Câu hỏi nêu lên là, vậy sẽ đem thầy về nằm tạm ở đâu. Các bạn Vì Dân lại nói rằng. Dưới NamCali có chỗ rồi. Bác Tường về đây nằm với chúng tôi. Hơn 50 năm trước, anh em ta đã Vì Dân mà ra đời thì nay ta lại Vì Dân mà nằm xuống bên nhau.

Không đưa ông về được Thái Bình, không về được Quy Nhơn, cũng chẳng về được Bến Cát, thì ta về đất Bolsa.

Đó là nói chuyện sau này, bây giờ xin cầu cho ông tháo được cái vòng “Đi luôn” đeo ở tay rồi trở về với quán trọ bên đường ở miền Nửa vừng trăng khuyết.

Ở đó vẫn còn các bạn Tây Đầm chờ ông thầy ra tay huyệt đạo chữa bệnh cao niên mỗi khi trái gió, trở trời. Ông sẽ ngồi xe lăn cho trọn kiếp trầm luân, ngày ngày ngó xuống phía Nam Bán Cầu, theo dõi bước chân của cô vợ Tàu lai và 2 đứa con đã trưởng thành bên Úc. Vợ đành như cơn gió thoảng, con đành như hơi rượu cay.

Ngày xưa ông đã bỏ vợ con để sống chết với binh đoàn, ngày nay ông chỉ còn mong được bao bọc tấm thân già trong chút tình chiến hữu.   
 
Giao Chỉ, San Jose.

1, 2