lịch sử việt nam

Trang Chính

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Chết Bởi Trung Cộng:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam

Vietnam Human Rights - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Southeast Asia Sea:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Về Việt Cộng và Trung cộng:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963 - 2013 :

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Thư Mục Các Trang Web - Weblinks:

 

Cây có cội, nước có nguồn. Toàn dân Việt-Nam ngàn đời ghi nhớ ân đức Quốc Tổ Hùng Vương

Southeast Asian Seas

quốc kỳ việt nam, việt nam, viet nam, vietnam, vn

southeast asia sea, biển đông, south china sea, biển nam trung hoa

Chuyên mục Southeast Asia Sea được thành lập nhằm khẳng định chủ quyền biển Đông từ hơn 10 ngàn năm của dân tộc Việt-Nam.

Từ hơn 10 ngàn năm qua, dân tộc Việt-Nam đã sống với biển, gần biển. Đây là nền văn minh chói sáng của tộc Việt.

Tình cảm gắn bó giữa biển và con người Việt Nam đã có chiều dài hàng 10 ngàn năm và tình cảm này vĩnh viễn không thể nào chia cắt được cho dù trải qua nhiều sự thay đổi của lịch sử.

Sống và chết ở Thượng Hải

PHẦN I: CƠN GIÓ CÁCH MẠNG

Chương 1: Cuộc Săn Bắt Phù Thủy

Đối với tôi, dĩ vãng - mà tôi nhớ rõ từng chi tiết - đã trở thành vĩnh cửu. Bằng hồi ức, tôi có thể quay lại - cả trong thời gian lẫn không gian - để trở về thời điểm của một đêm hè oi bức tháng 7 năm 1966 và nhìn ngắm lại ngôi nhà cũ của tôi ở Thượng Hải. Lúc đó con gái tôi đã ngủ trong phòng riêng của nó. Đám gia nhân cũng đã ở yên trong khu nhà dành riêng cho họ. Chỉ còn lại một mình tôi trơ trọi trong thư phòng. Ngay lúc này, tôi vẫn còn nghe tiếng thấy tiếng vù vù của chiếc quạt trần, vẫn nhìn thấy trên bàn giấy, những bông hoa cẩm chướng - trắng muốt và ủ rũ vì thời tiết nóng bức - cắm trong chiếc bình cổ đời Càn Long cũng màu trắng. Ngọn đèn đọc sách rọi sáng nửa căn phòng và chiếc nệm bọc lụa màu đỏ thêu chỉ kim tuyến lấp lánh trên ghế tràng kỷ.
Một ông bạn người Anh vẫn thường đến chơi đã gọi căn nhà ấy là “một ốc đảo tiện nghi và sang trọng trong một thành phố nhếch nhác”. Thật ra căn nhà của tôi chẳng những không phải là một lâu đài, mà so với tiêu chuẩn phương Tây thì cũng còn rất khiêm nhường nữa là khác. Nhưng tôi vẫn dành thời gian và tâm tư để làm cho ngôi nhà ấy thành một tổ ấm, một thiên đường cho tôi và cho con gái tôi, để có thể tiếp tục hưởng được những tiện nghi trong khi cả thành phố đang trải qua thực trạng vô sản.
Mười bảy năm sau ngày Đảng Cộng sản chiếm được lục địa Trung Hoa, thành phố Thượng Hải chỉ còn rất ít gia đình vẫn giữ được mức sống như gia đình tôi. Trong thành phố mười triệu dân này, có lẽ chỉ khoảng mười gia đình là còn giữ được lối sống cũ, ngôi nhà cũ và còn gia nhân, đầy tớ phục dịch. Thực ra, Đảng cũng không chính thức qui định người dân sống như thế nào. Năm 1949, khi quân đội Cộng sản tiến vào thành phố Thượng Hải, chúng tôi còn bị cấm không được sa thải gia nhân, đầy tớ, để khỏi làm cho tình trạng thất nghiệp thêm trầm trọng. Nhưng những đợt vận động chính trị làm rung chuyển đất nước này và làm cho những người trước kia giàu có nay trở thành nghèo mạt. Họ trở thành nạn nhân của sự bần cùng hóa ấy vì họ đã buộc phải trả những khoản “tiền phạt” khổng lồ, hoặc ít ra thì lợi tức của họ cũng sụt giảm ghê gớm. Nhiều nhà doanh nghiệp tư sản đã ở lại lục địa cùng với gia đình khi xí nghiệp của họ đã rời khỏi Thượng Hải. Tôi không có ý thay đổi lối sống của mình. Không những vì tôi còn đủ phương tiện để duy trì mức sống cũ, mà còn vì - thông qua “Tổ chức Mặt trận đoàn kết” - chính quyền thành phố đã đối xử với tôi một cách lịch thiệp, đàng hoàng. Tuy nhiên, tôi và con gái tôi cũng phải sống một cách lặng lẽ và trong sự bị nghi ngờ. Chúng tôi tin rằng cuộc cách mạng vô sản là một diễn biến lịch sử không thể tránh được đối với Trung Hoa, do đó chúng tôi đã chuẩn bị để nương theo diễn biến ấy.
Tôi thường nhớ lại cái khoảnh khắc lúc nửa đêm ngày 3 tháng 7 năm 1966. Không phải vì tôi chỉ hoài tưởng đến chuỗi ngày tôi còn được sống chung với con gái tôi, mà chủ yếu đó là khoảnh khắc cuối cùng của cuộc sống thường nhật mà tôi đã từng sống từ bao năm trước đó. Khí hậu nóng bức vẫn đè nặng lên thành phố, dù là ban đêm. Mở toang cửa sổ mà trong phòng vẫn không thoảng một cơn gió nhẹ. Mình mẩy tôi ướt đẫm mồ hôi. Chiếc áo lót dính sát vào lưng khi tôi cúi xuống tờ báo, đọc những bài báo chứa đựng những lời tố cáo dữ dội. Những bài báo như vậy luôn luôn là những lời tiên báo nhằm chuẩn bị dư luận cho một đợt vận động chính trị sắp tới. Đó là những nỗ lực tuyên truyền nhằm tạo ra bầu không khí căng thẳng thích hợp và kích động quần chúng. Thường khi chỉ cần đọc kỹ các bài báo do các nhà hoạt động ưu tú của Đảng viết ra và thông qua những lời bóng gió xa xôi của họ, người ta cũng có thể đoán được mục tiêu và nạn nhân của cuộc vận động sắp tới. Bởi trước đó, tôi chẳng hề dính dáng đến một phong trào chính trị nào, nên tôi đã không tiên cảm được những tai họa mà cuộc vận động sắp tới sẽ ảnh hưởng đến tôi. Nhưng, cũng như trong mọi trường hợp trước đó, những lời lẽ dữ dội được dùng trong các bài báo tuyên truyền ấy đã làm cho tôi cảm thấy khó chịu. Người lão bộc - lão Triệu - bưng đến cho tôi bình trà ướp nước đá và đặt lên bàn. Vừa nhấm nháp ly trà mát lạnh, tôi vừa đưa mắt nhìn tấm hình người chồng quá cố của tôi. Từ ngày nhà tôi mất, thấm thoắt đã chín năm qua, khoảng trống do cái chết của anh để lại trong lòng tôi vẫn còn đó. Tôi vẫn luôn luôn cảm thấy bị bỏ rơi và trơ trọi mỗi khi tôi khó chịu vì tình hình chính trị, và tôi cảm thấy sự nâng đỡ của nhà tôi là quá cần thiết cho tôi.
Năm 1935, tôi gặp nhà tôi, khi anh đang soạn luận án Tiến sĩ ở Luân Đôn. Sau đó chúng tôi thành hôn và trở về Trùng Khánh, thủ đô thời chiến của Trung Hoa. Năm 1939, anh trở thành viên chức Bộ Ngoại giao của chính quyền Quốc Dân Đảng. Năm 1949, khi quân đội Cộng sản tiến vào Thượng Hải, lúc đó, anh làm giám đốc văn phòng Bộ ngoại giao của chính quyền Quốc Dân Đảng tại Thượng Hải. Khi đại diện Cộng sản - ông Chương Hán Phu - đến tiếp quản văn phòng, ông này đã mời nhà tôi ở lại làm việc với chính quyền mới trong lúc giao thời với tư cách là cố vấn ngoại giao cho thị trưởng thành phố mới được chỉ định, tức là nguyên soái Trần Nghị. Một năm sau đó, nhà tôi được phép rời khỏi chức vụ trong chính quyền nhân dân để nhận chức vụ tổng quản lý chi nhánh Thượng Hải của công ty dầu khí Shell. Công ty này là một trong số rất ít xí nghiệp của Anh có tầm vóc quốc tế - chẳng hạn như công ty “Kỹ nghệ hóa chất Imperial”, Ngân hàng tổ hợp Hồng Kông - Thượng Hải,... - còn cố để giữ các chi nhánh ở Thượng Hải. Bởi hãng Shell là công ty độc nhất cỡ quốc tế về dầu khí muốn ở lại làm ăn tại lục địa Trung Hoa, nên những viên chức Đảng có khuynh hướng ủng hộ cuộc giao thương với phương Tây đã đối đãi với công ty và với bản thân chúng tôi một cách lịch sự, đàng hoàng.
Năm 1957, nhà tôi qua đời vì bệnh ung thư, một người Anh được chỉ định làm tổng quản lý thay nhà tôi. Và bản thân tôi được hãng Shell mời làm phụ tá cho ông ta với chức vụ cố vấn quản trị. Tôi làm việc cho hãng Shell với chức vụ ấy cho đến năm 1966.
Những vị tổng quản trị người Anh kế tiếp đã nhờ cậy vào tôi để lèo lái công ty qua khỏi những hầm bẫy chập chùng đối với một xí nghiệp tư bản ngoại quốc còn giao thương với Trung Hoa dưới quyền của Mao. Tôi đã phải tìm cho ra đường lối giải quyết các vấn đề để làm sao không phải hy sinh thể giá của công ty Shell hoặc không làm mất thể diện các quan chức người Trung Hoa. Công việc của tôi là quản trị nhân viên, làm trung gian liên lạc giữa ông tổng quản lý và “Hiệp Hội công nhân hãng Shell”, phân tích những đòi hỏi của Hiệp Hội và làm sao để đi đến chỗ có thể thỏa hiệp được. Tôi đã thảo tất cả các văn thư giao dịch với chính quyền Trung Hoa bằng tiếng Hoa. Mỗi khi ông tổng quản lý người Anh về nước nghỉ hè hoặc đi Bắc Kinh để thương thảo với chính quyền Trung ương thì tôi lại phải hành xử quyền tổng quản lý. Tôi nghĩ mình cũng may mắn có được một công việc làm ăn thích hợp và tự hào là một phụ nữ duy nhất ở Thượng Hải được giữ một chức vụ trung cấp của một công ty nổi tiếng nhất thế giới.
Mùa xuân năm 1966, sau khi thương thảo và đạt được thỏa hiệp với chính quyền Trung Hoa về “Những tài sản được dùng để thanh toán các khoản nợ”, công ty Shell đã đóng cửa văn phòng chi nhánh Thượng Hải. Công ty đã bàn giao tài sản của công ty ở Trung Hoa và chính quyền tiếp nhận các công nhân viên của công ty với lời cam kết vẫn để họ tiếp tục làm việc và trả hưu bổng cho họ. Với tư cách là thành viên trong ban quản trị, tôi không bị chi phối bởi thỏa hiệp ấy như các nhân viên khác trong “Hiệp Hội công nhân hãng Shell” chi nhánh Thượng Hải. Thực ra Hiệp Hội này chỉ là tổ chức của chính quyền thiết lập ra nhằm kiểm soát các công nhân của hãng mà thôi.
Khi thỏa hiệp được ký kết, con gái tôi - một diễn viên trẻ của xưởng phim Thượng Hải - đang đi trình diễn cùng với cơ quan của nó ở miền Bắc Trung Hoa. Tôi nghĩ là khi nó trở về, tôi sẽ làm một chuyến du lịch Hồng Kông. Nhưng, trong khi tôi chờ đợi nó trở về, cuộc Cách mạng Văn hóa được phát động. Đoàn diễn viên, trong đó có con gái tôi, được cơ quan gọi về Thượng Hải gấp để các thành viên của cơ quan tham gia vào cuộc Cách mạng Văn hóa. Vì biết rằng mỗi khi có cuộc vận động chính trị thì các viên chức chính quyền thường rất ngần ngại khi phải quyết định, do đó mọi công việc trong tất cả guồng máy chính quyền chậm lại đến độ có thể nói là hoàn toàn bị ngưng đọng. Bởi vậy tôi quyết định không nộp đơn xin đi Hương Cảng, để khỏi bị từ chối. Vì cứ mỗi lần bị từ chối như vậy thì đều được ghi vào hồ sơ cá nhân mà mỗi người đều có ở công an. Và cá nhân đó có thể bị làm khó dễ sau này. Tôi quyết định ở lại Thượng Hải vì tin rằng cuộc Cách mạng Văn hóa chắc cũng không kéo dài quá một năm, một khoảng thời gian thông thường cho mỗi cuộc vận động chính trị.
Ly nước trà đã làm cho tôi mát mẻ phần nào. Tôi đứng dậy đi vào phòng ngủ bên cạnh để tắm một cái rồi lên giường ngủ. Mặc dù trời nóng, tôi cũng cố để ngủ. Điều cuối cùng mà tôi biết được là người vú của tôi - má Trần - đã nhè nhẹ đánh thức tôi dậy.
Nhìn đồng hồ trên bàn ngủ, mới có sáu giờ rưỡi sáng nhưng bên ngoài cửa sổ, rạng đông đã cháy rực và nhiệt độ trong phòng đã lại bắt đầu tăng lên. Má Trần nói:
- Quí và một người nữa ở sở cũ của bà lại thăm bà.
- Họ cần gì vậy? - Tôi hỏi, giọng còn ngái ngủ.
- Họ không nói. Nhưng cái cung cách đối xử của họ lạ lắm. Họ cứ đi thẳng vào phòng khách và ngồi xuống ghế tràng kỷ, chứ không đợi mời mọc như trước kia, khi sở chưa đóng cửa.
- Người kia là ai - tôi thò đầu ra khỏi phòng tắm và hỏi tiếp - ông Quí, tôi biết, là phó chủ tịch Hiệp Hội công nhân hãng Shell chi nhánh Thượng Hải. Thương thảo với ông ta là một phần trong những công việc của tôi. Ông là người đàng hoàng biết điều và dễ thỏa hiệp.
- Tôi không biết tên người kia. Tôi chưa gặp ông ta lần nào, tôi nghĩ có lẽ ông ta là một vệ binh. Ông ta cao nhưng mảnh khảnh.
Theo sự mô tả của má Trần, tôi đoán có lẽ ông ta là một trong số những người “hoạt động” trong Hiệp Hội công nhân hãng Shell. Ở mặt chìm thì không biết sao, nhưng ở mặt nổi thì trong hãng không có đảng viên. Qua cung cách cư xử của một số người “hoạt động” trong hãng, tôi hiểu rằng những người này được khuyến khích để làm “chó săn” cho “Hiệp Hội công nhân Thượng Hải”. Vì không trực tiếp tiếp xúc với những người “hoạt động” này - hầu hết họ đều là bảo vệ hay công nhân tạp dịch, quét dọn - nên tôi chỉ biết các hoạt động của họ chủ yếu là qua bộ phận đầu não.
Có tiếng gõ cửa phòng tắm. Lão Triệu, người lão bộc già của tôi trao cho má Trần một cái khay và nói với tôi:
- Họ nói bà chủ nhanh lên.
- Được - tôi nói - nói với họ là tôi sắp xuống ngay bây giờ. Lấy thức uống và thuốc lá ra mời họ đi.
Nói như vậy chứ tôi cũng chẳng vội vã gì. Tôi cần có thì giờ để suy nghĩ đối phó với bất cứ điều gì sắp tới. Hai người ấy đến vào giờ này hẳn là phải có cái gì đó bất thường. Tuy nhiên, ở Trung Hoa khi được mời đến để tham gia học tập chính trị, ít có người được nói cho biết trước. Trong những trường hợp như vậy, các quan chức ra lệnh mọi người ngưng ngay - bất cứ là đang làm việc gì - để tham gia học tập chính trị cái đã, công việc mặc kệ, muốn ra sao thì ra. Tôi tự hỏi không biết có phải hai người này đến mời tôi tham gia học tập chính trị hay không. Tôi biết là “Hiệp Hội công nhân Thượng Hải” đang tổ chức những lớp học tập cho các công nhân viên của hãng Shell để chuẩn bị tư tưởng cho những người này tiếp tục làm việc với đồng lương thấp kém hơn.
Trong lúc ngồi ăn sáng và uống trà, tôi duyệt lại những sự kiện dẫn đến việc đóng cửa văn phòng hãng Shell và xét lại mọi ngôn ngữ cử chỉ của mình trong cuộc thương nghị giữa công ty và đại diện chính quyền Trung Hoa. Mặc dù tôi có mặt cùng với ông tổng quản lý trong tất cả các buổi họp, tôi đã không dự phần vào cuộc bàn cãi nào. Công việc của tôi chỉ là ngồi đó quan sát ghi nhận để sau đó, khi trở về văn phòng mới đưa ra ý kiến và khuyến nghị cho ông tổng quản lý. Tôi quyết định là nếu họ có hỏi tôi về những vấn đề liên quan đến hãng Shell tôi sẽ trì hoãn bằng cách đề nghị để tôi viết thư hỏi thăm tin tức của hãng.
Tôi mặc áo sơ mi vải trắng, chiếc quần rộng màu xám và mang đôi dép đen. Đó là bộ y phục phổ biến của phụ nữ ở chỗ công cộng. Để khỏi bị dòm ngó, để ý. Vừa đi xuống thang, tôi vừa suy nghĩ rằng những người sai hai người kia đến gặp tôi vào lúc sáng sớm như thế này là cố ý để làm cho tôi phải bối rối. Tôi cứ việc thong thả bước xuống và cố giữ một vẻ bình thường.
Bước vào phòng khách, tôi thấy cả hai người ngồi ưỡn ra trên ghế tràng kỷ. Hai ly nước cam bày trước mặt còn nguyên không đụng đến. Thấy tôi, theo thói quen, Quí đứng dậy. Nhưng nhìn thấy người kia vẫn tiếp tục ngồi ưỡn ra, Quí đỏ bừng mặt, có vẻ bối rối và lại ngồi xuống. Người kia cứ tiếp tục ngồi ưỡn ra, khi tôi bước vào là một cử chỉ bất lịch sự có tính toán. Năm 1949, không lâu sau khi quân đội Cộng sản tiến vào Thượng Hải, anh cảnh sát khu phố tôi ở đến thăm nhà tôi đầu tiên và không hẹn trước. Anh ta gạt lão gia bộc của tôi đang đứng ở cửa và tiến thẳng vào phòng khách - lúc đó, tôi đang ở trong đó - và nhổ toẹt xuống tấm thảm trải nhà. Đó là lần đầu tiên tôi thấy quyền uy được biểu hiện một cách quái gở và thô bỉ như vậy. Từ đó, tôi nhận ra là các quan chức cấp dưới của Đảng vẫn thường có những cử chỉ thô bỉ quá đáng thực ra chỉ là cách thức họ dùng che đậy cái mặc cảm tự ti của họ.
Làm như không biết đến sự bối rối của Quí và sự thô lỗ của người kia, tôi ngồi xuống ghế trước mặt họ và thản nhiên hỏi:
- Mấy ông có việc gì mà đến tôi sớm vậy?
- Chúng tôi đến yêu cầu chị đến dự buổi mít tinh - Quí nói.
- Mít tinh về vấn đề gì? - tôi hỏi tiếp - Ai tổ chức? Ai sai các ông đến yêu cầu tôi tham dự? - giọng có vẻ bực bội.
- Không cần phải hỏi nhiều như vậy - người “hoạt động” kia nói gắt gỏng - chúng tao sẽ không có mặt ở đây giờ này nếu chúng tao không có quyền như vậy. Tất cả các công nhân viên cũ của hãng Shell đều phải tham dự cuộc mít tinh này. Đó là điều rất quan trọng. Thế mày không biết cuộc Đại Cách mạng Văn hóa đã được phát động rồi sao?
- Cuộc đại Cách mạng Văn hóa thì có liên can gì đến tôi? Tôi đã làm việc cho một xí nghiệp thương mại chứ không phải cho một cơ sở văn hóa?
- Mao Chủ tịch đã dạy tất cả mọi người ở Trung Hoa phải tham gia vào cuộc Cách mạng Văn hóa, - Quí nói.
Rồi cả hai cùng nói một cách nóng nảy:
- Trễ rồi, phải đi ngay lập tức.
Họ đứng dậy. Tôi nhìn đồng hồ treo tường: 7h15’, người vú già đứng đợi tôi ở cửa và trao cho tôi cái túi xách và cây dù. Tôi cầm lấy và mỉm cười cám ơn. Nhưng vú không mỉm cười đáp lại. Vú nhìn tôi đăm đăm. Vẻ lo lắng hiện rõ trên nét mặt.
-Tôi sẽ về ăn cơm trưa ở nhà. - Tôi nói để trấn an vú. Và vú chỉ lặng lẽ gật đầu.
Lão gia bộc đứng đợi để mở cổng. Lão cũng nhìn tôi với vẻ mặt lo lắng, nhưng không nói gì, chỉ lặng lẽ đóng cổng khi chúng tôi đã ra khỏi.
Gia nhân của tôi lo sợ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Họ đều biết từ mười bảy năm nay, dưới quyền của Mao Trạch Đông, đã có biết bao người ra khỏi nhà của họ trong các cuộc vận động chính trị và không bao giờ trở về nữa.
Ngoài đường phố có ít người qua lại. Nhưng các xe buýt thì đông nghẹt những người, mặt mày có vẻ trang trọng. Vì cứ phải đi vòng vo nên mãi đến chín giờ chúng tôi mới tới nơi đã định.
Một số thanh niên nam nữ tụ tập ở cổng trường kỹ thuật, nơi tổ chức cuộc mít tinh. Khi thấy chúng tôi từ trạm xe buýt đi tới, một số chạy vào bên trong trường, la lớn: “Chúng đã tới, chúng đã tới”.
Một người đàn ông chạy ra và nói với hai người “áp tải” tôi:
- Làm gì mà lâu vậy? Cuộc mít tinh được tổ chức từ lúc 8 giờ?
Hai người kia quay đầu về phía tôi và nói:
- Cứ hỏi con mụ ấy!- Rồi họ vội vã đi vào toà nhà. Căn phòng đông nghẹt người. Trong số những người ngồi trên những ghế dài bằng gỗ ở hàng đầu, tôi thấy ông bác sĩ và các viên chức trung cấp của hãng Shell. Những tài xế, gác cổng, gác thang máy, quét dọn, thư ký... ngồi lẫn lộn trong đám đông thanh niên - có lẽ là học sinh trường này - ở phía sau. Một số nữa đứng ở lối đi giữa hai hàng ghế và ở khoảng trống phía sau. Xuyên qua những cửa sổ mở toang, mặt trời như đổ lửa vào trong phòng. Nóng và ngột ngạt! Nhưng rất ít người dám dùng quạt, không khí trong phòng có vẻ nặng nề và căng thẳng.
Mặc dầu suốt chín năm qua, chúng tôi cùng làm chung trong một hãng và nhìn thấy nhau hàng ngày, nhưng lúc này không có một viên chức trung cấp nào chào tôi hoặc tỏ dấu hiệu nhận ra tôi khi tôi đi ngang, chạm vào họ để tới chỗ dành cho mình ở băng ghế thứ hai.
Hầu hết mọi người đều cố tránh nhìn vào mặt tôi, chỉ có một số ít nhìn tôi ánh mắt có vẻ bối rối, lo lắng.
Tôi tự hỏi mấy tháng nay từ khi hãng đóng cửa thì những người này sống ra sao. Họ đúng là những người bị thua thiệt trong thỏa hiệp “những tài sản được dùng để thanh toán các khoản nợ” đã đạt được giữa công ty Shell và đại diện chính quyền nhân dân. Hầu hết những người này đã làm việc lâu năm cho hãng. Có những người làm từ thập niên 1920: Trong thời Nhật chiếm đóng Thượng Hải, một vài trong số những người này đã để lại nhà cửa và gia đình ở Thượng Hải để theo hãng xuống Trùng Khánh, thủ đô thời chiến của Trung Hoa. Những người ở lại, nhiều người chẳng thà chịu đựng những khó khăn về kinh tế hơn là làm việc với công ty dầu của Nhật hoạt động ngay trên sản nghiệp chiếm đoạt công ty Shell. Hầu hết những người này đã xấp xỉ hoặc hơn lục tuần. Thỏa hiệp nhấn mạnh ở điểm những người này vẫn được quyền làm việc trong cơ sở mới. Điều mà thỏa hiệp lờ đi là trong cơ sở mới họ có thể không được giữ chức vụ cũ mà có thể giao chức vụ như thư ký hoặc thông dịch với mức lương thấp hơn nhiều, kể cả lương hưu. Không một người nào dám phản đối những điều khoản này trong thỏa hiệp. Bởi vì, chính quyền muốn vậy. Cả tổng quản lý và tôi đều hết sức tranh thủ sự đảm bảo từ phía chủ tịch công đoàn cho quyền lợi của công nhân. Nhưng chúng tôi được cho biết là toàn thể công nhân của chúng tôi đều lấy làm hài lòng với những điều khoản này. Trong lần gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi - phía công ty - và chủ tịch công đoàn, chính vị này đã nói với tôi:
- Toàn thể công nhân đều rất hài lòng trước viễn tưởng được giải phóng khỏi cái địa vị tồi tệ là công nhân trong một xí nghiệp của ngoại quốc. Tất cả đều hướng về tương lai và tích cực góp phần mình vào việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, với tư cách là người công nhân trong tổ chức chính quyền - Đó là đường lối chính thức, của nhà nước. Nhưng, trong thâm tâm, ngay chủ tịch công đoàn có lẽ cũng không tin tưởng sự đúng đắn của đường lối ấy. Vào những ngày cuối cùng trước khi hãng đóng cửa, những công nhân thường, cấp thấp đến gặp tôi cũng lắc đầu thất vọng và thì thầm than thở: “Vô kế khả thi”, “vô vọng”, “đường cùng”...
Từ lúc chín giờ sáng cho đến giờ cơm trưa - cuộc mít tinh tạm ngưng - còn tới hơn ba tiếng đồng hồ. Căn phòng càng lúc càng trở nên nóng bức. Tôi biết, trong lúc chờ đợi những biến cố sắp tới, tôi phải dành sức để biện hộ cho họ. Chiếc ghế dài bằng gỗ cứng ngắc ngồi đau ê ẩm chẳng khác gì chiếc ghế tôi đã ngồi dưới hầm để tránh bom của máy bay Nhật oanh tạc lúc tôi ở Trùng Khánh. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Tôi mở túi xách tính lấy khăn tay lau mặt thì thấy bà vú đã cẩn thận để sẵn ở đó một cái quạt nhỏ xíu làm bằng gỗ trầm hương. Tôi lấy chiếc quạt ra quạt, cố mong xua đuổi cái mùi hôi nồng nặc. Thình lình có tiếng ồn ào phía sau lưng tôi. Vài người đàn ông mặc áo tay ngắn, quần vải thùng thình, từ phía dưới tiến lên trên bục ngồi. Một trong số ấy tiến tới chiếc bàn nhỏ phủ khăn trắng đàng hoàng, kê phía trước dãy ghế. Ở Trung Hoa lúc đó người ta không thể dựa trên cái bề ngoài của một người để đoán được hoàn cảnh, địa vị của họ. Vì mọi người ăn mặc vừa hợp thời trang vừa an toàn của người dân Trung Hoa lúc đó là làm sao cho có vẻ nghèo nàn. Bởi vậy, nhìn những người tổ chức mít tinh này, tôi không tài nào đoán được cấp bậc hay địa vị của họ. Nhưng tôi nghĩ rằng chắc chắn họ phải là các viên chức của “Hiệp hội công nhân Thượng Hải”, một tổ chức công nhân của chính quyền nhân dân.
- Các đồng chí - ông ta bắt đầu nói - Mao Chủ tịch, chủ tịch vĩ đại của chúng ta đã phát động và hiện đang đích thân điều khiển cuộc “Cách mạng Văn hóa vô sản vĩ đại”. Dưới sự lèo lái của người cầm lái vĩ đại, chúng ta sẽ thắng lợi vượt qua mọi trở lực. Tình hình vô cùng thuận lợi về phía chúng ta, giai cấp vô sản!
“Cuộc Cách mạng Văn hóa vô sản vĩ đại” là một thời cơ vô cùng thuận lợi cho tất cả mọi người chúng ta học tập tư tưởng Mao Trạch Đông một cách cẩn thận và chăm chú hơn bao giờ hết. Nhờ đó sự hiểu biết về chính trị của chúng ta thêm sâu sắc. Có như vậy chúng ta mới có khả năng phân biệt và phát hiện ai đứng trong hàng ngũ nhân dân với ai đứng về phía kẻ thù.
“Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội rất quỉ quyệt. Trong số chúng có đứa giương cao ngọn cờ đỏ để chống lại ngọn cờ đỏ, có đứa làm bộ hiền lành, mỉm cười thân thiện với ta để che dấu ý đồ hiểm độc, xấu xa của chúng. Chúng cấu kết với bọn đế quốc ngoại bang và giai cấp tư sản trong nước để cố phá hoại xã hội chủ nghĩa và đẩy lùi nhân dân Trung Hoa trở lại cái ngày xưa nghèo đói và đau khổ. Chúng ta có thể nào cho phép chúng thành công? Dĩ nhiên là không! Không! Một trăm lần không!”
“Nhân dân thành phố Thượng Hải đã được giải phóng 17 năm rồi. Ấy vậy mà cho đến gần đây, những xí nghiệp ngoại quốc vẫn còn tồn tại trên thành phố này. Các văn phòng của chúng chiếm những tòa nhà đẹp nhất của chúng ta, xe cộ của chúng cũng chạy vùn vụt trên phố xá của chúng ta. Những tên ngoại quốc và một số ít những tên, tuy là Trung Hoa nhưng đã quên hay là làm lơ quốc tịch để làm việc cho bọn ngoại quốc - tất cả bọn ấy - đã nghênh ngang, vênh váo, xấc xược trên thành phố của ta. Tất cả chúng ta đều biết những xí nghiệp này là những cơ sở tay sai của bọn đế quốc. Chúng nuôi hy vọng tiếp tục bóc lột nhân dân Trung Hoa. Chúng ta không thể tha thứ cho tình trạng này. Vì vậy chúng ta đã đóng cửa các xí nghiệp này và tống cổ bọn ngoại bang về nước chúng. Hầu hết những người Trung Hoa làm việc trong các xí nghiệp ấy đều bị lây nhiễm, cái cách suy nghĩ của họ bị sai lệch. Nhưng phải nhìn nhận sự kiện là một vài người trong số ấy rõ ràng là phản động. Nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện chính sách của Mao Chủ tịch, nhà lãnh đạo vĩ đại, là giáo dục và cải tạo họ. Trong mấy tháng qua, chúng ta đã tổ chức những lớp học chính trị cho họ. Nhưng không một ai có thể được cải tạo nếu chính bản thân người đó không chịu đối diện với thực tiễn nhận ra và nhìn nhận sự sai lầm của chính mình. Tự phê và tự thú là những bước đầu tiên dẫn đến sự cải tạo. Để có những nỗ lực tự phê thật sự, một người phải được những người khác giúp đỡ bằng cách phê bình chính người đó. Cuộc mít tinh được triệu tập hôm nay để chúng ta phê bình tên Đào Phương và nghe hắn tự phê.
Tất cả chúng ta đều biết Đào Phương là ai. Trong gần 35 năm, hắn là một con chó săn trung thành của công ty dầu khí Shell, một công ty quốc tế khổng lồ với những cái vòi vươn tới tận những nơi xa xôi hẻo lánh trên thế giới để thâu hút lợi nhuận. Theo Lênin, đó là một hình thức xấu xa nhất của xí nghiệp tư bản.
“Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa như nước với lửa hoàn toàn đối nghịch nhau. Đào Phương đã không thể vừa phục vụ lợi ích của xí nghiệp Anh, đồng thời lại là một công dân Trung Hoa tốt dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Trong một thời gian lâu dài chúng ta đã cố gắng giúp hắn nhìn thấy ánh sáng...”
Tôi ngạc nhiên khi thấy Đào Phương, cựu trưởng ban kế toán của xí nghiệp Shell, là mục tiêu của cuộc mít tinh này. Bởi vì tôi cứ nghĩ là Đảng đã nhìn ông ta với con mắt ưu ái. Con trai lớn nhất của ông ta được gởi đi du học ở Liên Xô, rồi ở Tiệp trong những năm năm mươi, và người thanh niên này đã được kết nạp vào Đảng. Tôi cũng biết là khi chọn một thanh niên để cho ra nước ngoài du học, Đảng điều tra xem xét rất kỹ quá trình của người ấy, kể cả hạnh kiểm chức vụ và quan điểm chính trị của ông thân sinh ra người ấy. Đào Phương đã qua được tất cả những “xét nghiệm” ấy, khi con của ông ta được gởi đi du học ở nước ngoài. Bởi vậy tôi không hiểu tại sao ông ta lại bị đem ra làm mục tiêu cho cuộc phê bình.
Ngay từ lúc chế độ Cộng sản mới bắt đầu, tôi đã nghiên cứu cẩn thận sách vở về chủ nghĩa Mác và các lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Hoa. Đối với tôi hình như Chủ nghĩa xã hội ở Trung Hoa còn đang trong giai đoạn dò dẫm. Và đường lối phát triển đất nước vẫn chưa được quyết định dứt khoát.
Bởi vì, theo tôi nghĩ, đó là lý do khiến nhà cầm quyền cứ thay đổi chính sách mãi. Cũng giống như cái quả lắc đồng hồ, cứ từ tả qua hữu, hữu qua tả. Khi những sự việc diễn ra và nảy sinh những vấn đề, thì Bắc Kinh lại đưa ra những biện pháp sửa sai. Rồi chính những biện pháp sửa sai này đi quá xa và lại có biện pháp để sửa sai. Dĩ nhiên, cái khó khăn thực sự là tình trạng nhà nước kiểm soát quá chặt chẽ nền kinh tế đã khiến cho mức sản xuất sụt giảm hoặc bị bóp nghẹt. Những kế hoạch kinh tế do Bắc Kinh hoạch định đã bất chấp điều kiện cụ thể của địa phương và giết chết mọi sáng kiến, tiêu hủy mọi kích thích tính năng động.
Khi một chính sách được thay đổi từ bên trên thì những tiêu chuẩn đánh giá cũng phải thay đổi theo. Cái đúng hôm qua có thể trở thành sai hôm nay và ngược lại. Bởi vậy, những lời nói và hành động của các viên chức cấp thấp trong Đảng chỉ có giá trị trong một thời gian rất giới hạn. Bởi vậy, tôi cho là cuộc mít tinh mà tôi đang tham dự hôm nay cũng chẳng quan trọng lắm và diễn giả kia cũng chỉ là một viên chức cấp thấp trong Đảng được chỉ định đứng hướng dẫn cuộc Cách mạng Văn hóa cho các công nhân viên cũ của hãng Shell. Đối với tôi, cuộc Cách mạng Văn hóa dường như chỉ là cuộc chuyển mình của Đảng về phía tả. Sớm hay muộn, khi sự việc đã đi quá xa thì sẽ lại có những biện pháp sửa sai. Nhân dân lại sẽ có một vài tháng hay một vài năm tạm ổn trước khi có một cuộc vận động khác. Mao Trạch Đông tin rằng những cuộc vận động chính trị sẽ tạo ra những đà lực thúc đẩy tiến bộ. Bởi vậy, tôi nghĩ cuộc Cách mạng Văn hóa chỉ là một cái khâu trong cái chuỗi dài vô tận những đợt vận động mà người dân Trung Hoa phải tập chịu đựng cho quen.
Tôi đưa mắt nhìn quanh phòng trong khi đó vẫn lơ đãng nghe hàng chuỗi, hàng tràng những khẩu hiệu của diễn giả tuôn ra, lúc đó tôi mới để ý đến tấm biểu ngữ treo trên tường ghi câu: “Đả đảo tên chó săn của đế quốc Đào Phương”. Tên của ông ta được gạch chéo bằng mực đỏ để chỉ rõ ông ta bị tố giác là kẻ thù. Tôi đã không chú ý đến biểu ngữ này ngay khi bước vào phòng vì ngoài biểu ngữ ấy ra còn có vô số biểu ngữ khác của cuộc Cách mạng Văn hóa treo kín các bức tường. Khẩu hiệu, biểu ngữ là một phần trong toàn bộ đời sống của người dân Trung Hoa. Những biểu ngữ ấy ca ngợi Mao Trạch Đông, tán tụng Đảng, tán tụng Chủ nghĩa Xã hội và tán tụng tất cả những gì mà Đảng muốn người dân phải tin tưởng. Những biểu ngữ, khẩu hiệu ấy thúc đẩy người dân phải làm việc cực nhọc hơn nữa, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông cho thấm nhuần hơn nữa và tuyệt đối phục tùng Đảng. Khi có cuộc vận động chính trị thì ngoài những biểu ngữ, khẩu hiệu tán tụng nói trên, còn có các biểu ngữ tố cáo kẻ thù mục tiêu của cuộc vận động đó. Từ lúc bắt đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, một số khẩu hiệu đã được nhân ra hàng ngàn, hàng ngàn và được treo, dán khắp nơi. Không thể nào đọc được hết các biểu ngữ, khẩu hiệu mà ta thường gặp. Người ta dễ dàng nhìn thấy bất cứ ở đâu đều có khẩu hiệu mà chẳng cần thực sự xem khẩu hiệu ấy nói cái gì.
Một người đàn ông đứng lên kể lể lối sống sa đọa của Đào Phương là kết quả của sự chung đụng lâu ngày của ông ta với tư bản chủ nghĩa. Dường như ông đã phạm tội vì những chuyện mèo mỡ, vì đã uống rượu nho, rượu mạnh, vì thích ăn ngon, nghĩa là tất cả những hành động dung dưỡng thân xác mà Đảng không ưa. Những lời tố cáo đó không làm cho tôi ngạc nhiên, vì tôi biết, khi một người bị tố cáo, người ấy bị mô tả hoàn toàn xấu và mọi hành động cử chỉ sai trái của người ấy đều bị gán cho ảnh hưởng của Chủ nghĩa Tư bản.
Sau khi đã moi móc chi li về đời tư của Đào Phương và vạch trần cái hậu quả tai hại của chủ nghĩa tư bản nơi ông ta thì người đứng lên tố cáo đã nghiêm giọng quay sang vấn đề chủ nghĩa đế quốc và sự gây hấn, xâm lược Trung Hoa do các thế lực ngoại bang gây ra. Theo ý ông ta thì Đào Phương sa đọa không phải vì Đào là người tham ăn và không kiềm chế được dục vọng của mình mà vì Đào đã làm việc cho một xí nghiệp thuộc về một quốc gia đã có những hành động tội ác, thô bạo xâm lược và chống lại nhân dân Trung Hoa từ hơn một trăm năm qua. Ông ta nhắc đến cuộc chiến tranh nha phiến năm 1839-1842, cứ như thể cuộc chiến này vừa mới xảy ra cách lúc ông ta nói mới chỉ chừng một năm.
Ông ta dùng những lời lẽ nặng nề để tố cáo và chốc chốc ông ta lại cao giọng nói lớn. Ông ta nói một cách trơn tru, dễ dàng. Thỉnh thoảng lại ngừng để uống một hớp nước hoặc nhìn vào bản ghi chú. Chắc hẳn ông ta nghĩ mình là một diễn giả lôi cuốn. Bởi vì, không một ai dám bỏ về khi cuộc mít tinh còn đang tiếp diễn. Một viên chức Đảng, dù ở cấp thấp đến thế nào chăng nữa, cũng vẫn là đại diện cho Đảng. Khi ông ta nói thì chính là Đảng nói. Tỏ ra không chú ý nghe là một điều không thể hiểu được. Tuy nhiên ông ta đã nói dai quá, nói dài quá. Căn phòng nóng đến không thể chịu nổi. Và chính người nghe cũng trở nên “bất trị” rồi. Tôi nhìn đồng hồ và thấy gần 12 giờ trưa. Có lẽ chính diễn giả cũng cảm thấy mệt và đói bụng, vì thình lình, ông ta ngưng và nói với chúng tôi là buổi mít tinh tạm ngừng cho đến 13h30. Mọi người rần rần đứng dậy và chen nhau ra ngoài trước khi ông ta dứt lời hẳn.
Bên ngoài, mặt trời giữa trưa như đổ lửa xuống vỉa hè, phía xa, tôi thấy một chiếc xích lô đậu dưới bóng cây. Tôi chạy lại, cho người phu xích lô địa chỉ, hứa trả gấp đôi tiền để ông ta đạp nhanh nhanh chở tôi về nhà.
Người đàn ông sáng nay dẫn tôi đến đây vội chạy ra, la lớn bảo tôi dừng lại. Ông ta muốn tôi ở lại đó, kiếm cái gì ăn trong bếp của nhà trường để tôi khỏi bị trễ trong cuộc mít tinh buổi chiều. Ông ta tỏ ra lo lắng cố giữ tôi ở lại đến nỗi đã giữ lấy chiếc xích lô. Tôi phải hứa đi hứa lại là tôi sẽ đến trước giờ, lúc đó ông ta mới chịu để cho xe chạy.
Căn nhà nhỏ của tôi, mặc dù có rêu phong bám bên thành cửa sổ và bóng tre ở mái hiên thì cũng là một thiên đường đối với tôi sau buổi mít tinh trong căn phòng nóng bức ngột ngạt thiếu không khí ấy. Chiếc áo phía sau lưng tôi ướt đẫm mồ hôi, và tôi khát đến khô cả cổ. Tôi vội đi tắm. Uống một ly trà đá và thưởng thức những món ăn ngon lành mà người bếp đã nấu cho tôi. Nằm nghỉ lưng trên giường chừng nửa giờ rồi lại đi xích lô - Tôi dặn ở lại chờ - tới chỗ mít tinh.
Tôi đến căn phòng của cuộc mít tinh tuy hơi trễ một chút. Nhưng tôi không phải là người đến trễ nhất. Tôi tìm được một chỗ ngồi ở hàng ghế thứ hai, gần một cây cột để tôi có thể dựa vào đó khi quá mệt. Tôi xách theo cái túi đựng chai nước và cái ly và hai thanh sô cô la. Yên trí là mình đã chuẩn bị đầy đủ, tôi ngồi xuống, chờ và tự hỏi không hiểu rồi ra diễn giả sẽ nói gì nữa.
Căn phòng từ từ đông người thêm. Lúc hai giờ trưa, cũng mấy người ban sáng bước lên bục và ngồi vào chỗ cũ. Diễn giả vẫy tay ra dấu cho một người nào đó phía sau ông ta. Tôi ngạc nhiên khi thấy Đào Phương bị dẫn vào phòng. Trên đầu ông ta đội một cái mũ có ghi chữ “con bò yêu quái và đầu óc rắn độc”. Nếu đừng có cái vẻ mặt hết sức sợ hãi thì nom ông ta thật buồn cười. Trong thần thoại Trung Hoa có chuyện yêu quái hiện hình thành con bò để đánh lừa người ta. Nhưng khi bị phát hiện là yêu quái thì chúng đành trút bỏ hình con bò để trở lại thành yêu quái. Mao Trạch Đông là người đã dùng kiểu nói này để mô tả người trí thức trong cuộc vận động chính trị chống cánh hữu năm 1957. Ông ta nói người trí thức cũng giống như yêu quỉ hiện hình người và làm bộ ủng hộ Đảng. Khi họ phê bình Đảng thì lúc đó họ mới lộ nguyên hình là yêu quỉ. Từ đó, mau lẹ xử dụng ngôn ngữ của Mao, các quan chức trong đảng đã áp dụng kiểu nói đó cho tất cả những ai bị coi là không trung thực về mặt chính trị. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, kiểu nói đó được áp dụng cho tất cả những kẻ được gọi là kẻ thù gồm 9 loại: cựu địa chủ bị tố cáo trong phong trào cải cách ruộng đất năm 1950-52; phú nông bị cảnh cáo trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp năm 1955. Các tên phản cánh mạng bị tố cáo trong cuộc vận động tiêu diệt phản cách năm 1950 và cuộc vận động loại trừ phản cách mạng năm 1955; “phần tử xấu” bị bắt kể từ khi Đảng Cộng sản nắm chính quyền; phe hữu bị tố cáo trong cuộc vận động chống phe tả năm 1957; bọn phản bội (các viên chức Đảng bị nghi ngờ bí mật phản bội Đảng trong lúc bị giam trong các nhà tù của Quốc Dân Đảng); gián điệp (đàn ông và đàn bà có quan hệ với nước ngoài); tay sai cho tư sản (các viên chức Đảng không theo đúng đường lối, chính sách thiên tả và chủ trương đi theo đường lối (phát triển kinh tế) tư bản và trí thức có nguồn gốc gia đình tư sản, trưởng giả.
Kiểu nói “yêu quái hiện hình con bò...” thường được rút gọn là chỉ còn chữ “bò”. Và nơi giam giữ những người thuộc các diện xấu trên - trong thời kỳ có cuộc Cách mạng Văn hóa - thường được gọi là “chuồng bò”. Khi làn sóng khủng bố dâng cao thì trong mọi cơ quan trên nước Trung Hoa đều có những phòng, những nơi được dành riêng ra để làm “chuồng bò”. Và các “Vệ binh cách mạng” trong mỗi cơ quan mình. Những cung cách đối xử vô nhân đạo, những phương pháp tàn bạo đều được dễ dàng sử dụng để bắt các “bò” phải tự thú. Trong nhiều trường hợp, những “chuồng bò” này còn tàn tệ hơn cả nhà tù thứ thiệt.
Nom Đào Phương thay đổi quá chừng! Khi còn làm trong công ty, ông ta là người luôn luôn tự tin. Bây giờ, nom ông ta thất thểu và hoàn toàn rã rời, thảm não. Ông ta gầy tọp hẳn đi và mới chỉ trong vài tháng mà nom ông ta già đi đến cả chục tuổi. Những thanh niên ngồi phía sau tôi khúc khích cười. Khi ông Đào bị dẫn lên bục cao, đám người ở phía sau tôi đã đứng dậy để nhìn cho rõ hơn và vỗ vào ghế rầm rầm. Một người đã đem một cái ghế lên bục và bảo ông Đào đứng lên đó để những người ngồi dưới nhìn rõ hơn nữa. Khi ông ta đứng lên ghế, cái mũ giấy trên đầu, dáng điệu cóm róm thì tiếng cười nhạo đã rầm rĩ nổi lên. Một vài người đứng ở góc phòng - hiển nhiên là đã được bố trí sẵn - đã đứng dậy. Tay giơ cao cuốn “Sách đỏ” - trích những lời dạy của Mao và bọc bìa plastic màu đỏ - mà mỗi người phải luôn mang theo trong người, họ hướng dẫn những người ngồi nghe hô lớn các khẩu hiệu:
“Đả đảo tên Đào Phương”, “Đả đảo tên Đào Phương chó săn của đế quốc !”, “Đả đảo đế quốc !”, “Đả đảo giai cấp tư sản”, “Cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản vĩ đại muôn năm”, “Mao Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại muôn năm !”
Tiếng cười đang ầm ĩ tưởng như không kiểm soát được, ấy thế mà mấy người kia chỉ hô lên khẩu hiệu là lập tức tiếng cười im bặt và biến thành tiếng hô như sấm rền, mỗi tiếng hô là những cuốn “sách đỏ” lại được những cánh tay đưa lên cao. Tôi không mang theo cuốn sách đó. Tôi cũng từ từ dứng dậy và đưa mắt bối rối nhìn khắp. Tôi xúc động và ngạc nhiên khi thấy chính Đào Phương cũng giơ nắm tay lên và hô to khẩu hiệu, kể cả khẩu hiệu “đả đảo” chính ông ta. Trong lúc mọi người đứng hô khẩu hiệu, tôi lo lui cui xếp quạt, thu gom bình và ly uống nước để vào túi xách đặt trên ghế và vừa đứng lên thì mọi người đã hô khẩu hiệu xong, và ngồi xuống. Thế là tôi lại lấy túi xách đặt xuống đất để lấy chỗ ngồi. Người ngồi bên cạnh đã nhìn tôi một cách khó chịu. Ông ta ngồi xích ra như thể sợ ngồi gần sát tôi, sẽ bị lây những cử chỉ xấu của tôi.
Khi đám đông đã biểu lộ xong sự tức giận và khinh bỉ đối với tội nhân thì tội nhân mới được phép ngồi trên chính cái ghế mà ông ta vừa đứng. Khi ông ta cúi đầu để nhìn đặng bước xuống thì cái mũ giấy trên đầu bị rớt ra. Đám học sinh lại cười rần. Ông Đào Phương đưa mắt sợ hãi nhìn người chủ trì buổi mít tinh. Rõ ràng ông ta sợ bị tố là đã cố ý làm rớt cái mũ giấy. Ông ta thở dài buồn bã khi một người khác đến lượm cái mũ và chụp lại vào đầu ông.
Người chủ trì buổi mít tinh cho gọi một vài công nhân khác đã làm cho hãng Shell, kể cả hai người sáng nay đã đến nhà tôi và những người thư ký cấp thấp đã làm trong phòng kế toán với Đào Phương. Lần lượt từng người ra trước bục, đứng trước mặt ông ta, bằng giọng tức tối, giận dữ, đã gần như nhắc lại những lời tố cáo mà diễn giả ban sáng đã nói.
Mục tiêu và tầm mức của sự phê bình - theo tôi biết - đã được các viên chức Đảng sắp đặt trước cả rồi. Tỏ ra tích cực, nhiệt tình trong cách phê bình tố cáo - để cho mình nổi bật, độc đáo - thì cũng bị coi là “không đạt yêu cầu” như là phê bình yếu, chưa đúng mực. Người dân Trung Hoa đã rút được kinh nghiệm là Đảng sẽ tin cậy và thích họ hơn nếu họ đừng tự mình suy nghĩ gì cả mà chỉ lặp lại những gì Đảng đã nói với họ. Cuộc phê bình Đào Phương của những công nhân làm tron

Đọc tiếp: http://www.dtv-ebook.com/doc-truyen/ebook-song-va-chet-o-thuong-hai-trinh-niem-full-prc-pdf-epub-tu-truyen_2355.10501.html

 

 

Thư-Viện Bồ Đề Online @ Trúc-Lâm Yên-Tử 

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters
un compteur pour votre site