lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Văn Hóa Triết Học Việt Nam - Tam Giáo Đồng Nguyên

Quan-Niệm Về Vũ-Trụ Và Nhân-Sinh Của Đạo Học 

Nguyễn Đăng Thục

Tây-phương cận-đại thường cho Đông-phương là huyền-bí mê-tín. Thực là một sự ngộ-nhận lớn về tinh-thần Đạo-học, mà họ xét qua thành-kiến tôn-giáo nhân-cách, đậm mầu nhân-tình nhân-ảnh, nó đã áp-chế họ suốt đời Trung-cổ vào sự mê-tín một đấng Thiên-Chúa mô-phỏng tính-tình người ta, mà đứng ở ngoài Thế-giới để sáng-tạo ra Thế-giới, tựa loài người làm trung-tâm vũ-trụ, biệt-lập trên muôn loài không theo luật chung ; vì loài người mà Ngài đã tạo ra vạn vật để cung-phụng cho người, trăm điều của Ngài đều lành, nghìn sự của Ngài đều tốt cho người ta cả. Một quan-niệm chủ-quan một cách quá ư thô-thiển về vũ-trụ và nhân-sinh đầy nhân-tính nhân-sự như thế, thì ở Đạo-học Đông-phương không lấy gì mà so-sánh được .

Ông Cố Wiégier, có phê-bình về Đạo-học Trung-Hoa, nhất là về Khổng-học : " Cái học-thuyết ấy là một triết-lý thực-nghiệm duy-vật, cho nên người Nho-giả không khó-khăn gì mà đi đôi với các nhà tư-tưởng duy-vật và thực-nghiệm trong thế-giới. Nhân-danh đồ-đệ của Khổng-Tử, họ đủ tư-cách đánh bạn ngang hàng với các nhà tư-tưởng thực-nghiệm và duy-vật tối-tân ngày nay. Trong cuộc tranh-đấu quá-khứ, hiện-tại và vị-lai, giữa Khổng-học và đạo Gia-Tô, nhân-cách của người Nho-gia không can dự một phần nào. Ấy chỉ là sự tranh-đấu giữa tư-tưởng thực-nghiệm chống với sự thiên-khải, chủ-nghĩa duy-vật chống với chủ-nghĩa duy-tâm, giống như ở các nơi khác vậy." _ ( trang 704 " Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques de Chine ". II è édition ) .

Câu phê-bình này mục-đích là muốn chê Đạo-học ở Tầu, nhất là Khổng-học không có tinh-thần cao-siêu như đạo Thiên-Chúa. Bởi vì ông Wiégier bị mờ ám do thành-kiến của một tôn-giáo nhân-cách, phảng-phất nhân-tình nhân-ảnh, cho nên không nhận thấy chỗ siêu-việt hình-nhi-thượng của Khổng-học. Trái lại, đặc-tính siêu-hình của Đạo-học ở Trung-Hoa là không phải một tín-ngưỡng thuần chủ-quan, có tính-cách ỷ-lại và khô-khan, mà chính là tính-cách luôn luôn thực-hiện của Đạo-học, đúng như lời của Đạo-sĩ Vivékananda đã tuyên-bố rằng : " Nếu Thượng-Đế ( chân- lý ) có thực thì ta phải tới tận nơi... Đạo-học chẳng phải lời nói suông hay lý-thuyết hão. Nó là sự thực-hiện. Nó không phải nghe và tin theo. Nó là sự thực và sự trở nên. Nó bắt đầu với sự tập-luyện cái năng-lực thực-hiện của đạo-đức " .

Vậy lời phê-bình của Cố Wiégier càng chứng-minh tính-cách thực-nghiệm chắc chắn vững vàng của Đạo-học và của tinh-thần Vũ-trụ-đạo ở Khoa-học tân-vật-lý Tây-phương cận-đại mà ông không hiểu tới .
Ngay buổi rạng-đông của văn-minh Trung-Hoa, người ta đã nhận thấy xuất-hiện một quan-niệm rộng rãi, cai-quát, có tính-cách khách-quan về thế-giới. Bắt đầu bước vào đất Trung-châu sông Hoàng-Hà, dân-tộc Trung-Hoa đã tỏ là dân-tộc có đoàn-thể, có tổ-chức, chuyên-nghiệp nông cũng như các dân-tộc văn-minh tiền-phong ở hoàn-cầu. Dân-tộc Trung-Hoa thấy đứng trước những vấn-đề mà hoàn-cảnh kinh-tế, địa-dư của sông Hoàng-Hà đã đặt cho để giải-quyết, ấy là vấn-đề thủy-lạo. Chữ Hoàng-Đế chỉ tên hiệu một ông Vua, lại vừa ghi một trang lịch-sử mới của dân-tộc bắt đầu bỏ chế-độ bộ-lạc mà tổ-chức thành xã-hội định-cư ở địa-phận Trung-nguyên sông Hoàng-Hà, phì-nhiêu bởi đất phù-sa mầu vàng đỏ của nước sông phiếm-dật bồi-đắp. Song muôn được an-cư lạc-nghiệp ở đây, thì phải khai-khẩn sửa-sang, phải tranh-đấu với những thế-lực của Tự-nhiên : nào hồng-thủy, nào mãnh-thú, mãng-xà, lau sậy rậm-rạp hoang-vu ; nhân-công với Hóa-công thi nhau tranh-đấu trong cuộc sinh-tồn .

Do sự chiến-đấu chật-vật anh-dũng ấy, mà ở dân-tộc Trung-Hoa bấy giờ thấy xuất-hiện những bậc anh-tài xuất-chúng lỗi-lạc phi-thường. Trong số ấy có Vua Đại-Vũ nhà Hạ, trên hai nghìn năm trước kỷ-nguyên, đã tỏ là một tay kỹ-sư sáng-kiến hoàn-toàn thành-công trong việc trị-thủy, mà đã mấy đời Vua chưa giải-quyết xong, thậm-chí đến ông Cổn là cha Ngài, cũng thất-bại đến phải bỏ mình .

Vua Đại-Vũ thành-công như thế nào ? Ông Cổn tại sao thất-bại ? Kinh Thư, thiên Hồng-phạm chép lời Kỷ-Tư, một nhà Bác-học cuối đời nhà Ân, vào khoảng một nghìn năm trước kỷ-nguyên : " Tôi nghe sự-tích ông Cổn đắp đê làm bế tắc hồng-thủy, làm loạn mất thuận-tính của ngũ-hành nghĩa là thế-lực Tự-nhiên. Trời bất-bình, không ban cho phép lớn nói về chín mối thứ-tự của Tự-nhiên, cho nên ông Cổn đến phải chết cực. Ông Vũ là con, được nối nghiệp phục-hưng, trời bèn ban cho phép lớn Hồng-phạm Cửu-trù kia, luật Tự-nhiên lại tiến-hóa theo thứ-tự. "

Như thế đối với ta, nghĩa là thế nào, nếu xét theo tinh-thần Khoa-học ?

Một điều nên nhớ là cổ-nhân biết theo tâm-lý của người ta lúc bấy giờ, mà tâm-lý thì theo thời mà biến-cải, ta nay đọc lại cổ-nhân, muốn hiểu ít nhiều, phải không câu nệ vào thành-kiến hiện-tại của ta, mà cố đem tinh-thần ta đặt vào hoàn-cảnh cũ, mục-đích đạt tới chỗ thuần-túy kinh-nghiệm của cổ-nhân .
Đứng trước một vũ-trụ hoang-vu, mộc mộc mạc mạc, nhân-loại trong thời ông Cổn và Vua Đại-Vũ, còn tiếp-xúc ngày đêm với những thế-lực hiển-hiện mãnh-liệt vô cùng của Vũ-trụ : nào cây cỏ xanh tốt, vừa rườm-rà vừa mau lan, vì đất còn mới mẻ hùng-hậu ; nào muông thú hung-tợn, còn phồn-thịnh, lại thêm mưa lũ như trút, chan hòa khắp bốn phương như bể, thời-tiết phi-thường. Cho nên tính-tình người ta lúc bấy giờ là tính-tình của một người phải lăn lộn, vào sinh ra tử trong đám bùn lầy rừng rậm, đánh bạn hàng ngày với những thế-lực kỳ-quan của Vũ-trụ. Cho nên tinh-thần người ta còn thuần-túy, chưa xa lìa cách-biệt hẳn với Tự-nhiên như ngày nay, Tập Vương Viễn Dã mà còn như đồng đồng vãng lai cùng Tạo-hóa vậy. Tóm lại, tinh-thần tâm-hồn người ta còn dễ cảm-thông thân-mật với Tự-nhiên, chưa biết đối-lập với nó, mà nghi-kỵ, coi nhau như thù địch, tuy hàng ngày vẫn phải tranh-đấu với nó để sinh-tồn, người ta cảm thấy mình cũng chỉ là một thế-lực đồng-điệu với thế-lực kia mà thôi. Vả lại sự hoạt-động đem lại sự kinh-nghiệm : ông Cổn vừa thất-bại bởi vì không thuận đạo thường của Tạo-hóa, thì ông Vũ kế-tiếp, cùng tắc công, nhân bài học do sự thất-bại của cha, mà giác-ngộ dần mối tương-quan có thống-hệ giữa những thế-lực Tự-nhiên, tức thì phát-minh ra luật Ngũ-hành có thứ-tự ở nội-giới và ngoại-giới .

" Đương đời Vua Nghiêu, thiên-hạ chưa bình-định, nước lũ chảy tung hoành đầy rẫy ở thiên-hạ, cỏ cây rậm tốt, chim muông phồn-thịnh, năm thứ thóc chưa thành thực, chim muông ở lẫn với người, những móng thú, giấu chim bừa bãi cả chốn Trung-quốc... Ông Vũ đào chín cái sông, khơi sông Tế, sông Loa cho chảy về bể, xẻ sông Nhữ, sống Hán, sông Hoài, sông Tứ chẩy về sông Giang, rồi sau chốn Trung-quốc có thể cầy-cấy được mà ăn, đương thời bấy giờ, ông Vũ tám năm ở ngoài kinh-lý việc nước, ba lần qua cửa nhà mình mà chẳng kịp vào...

" Ông Vũ khơi chỗ nước úng-tắc mà rót nước ra bể, đuổi loài rắn rồng mà dồn nó vào đầm nước cỏ rậm, nước theo lòng sông chảy đi, là những con sông Giang, sông Hoài, sông Hà, sông Hán. Nơi lụt lội đã khơi, loài chim muông làm hại người đã trừ, rồi nhân-dân mới được chỗ đất phẳng mà ở."
Xem thế đủ biết ông Vũ đây là người thế nào đối với dân Trung-quốc, và nhân tiện ta mới hiểu việc bắt đầu về vấn-đề trị-thủy, cho nên ở Hồng-phạm nước là một thế-lực đứng đầu trong năm thế-lực chính của Tự-nhiên, và cũng vì giải-quyết được vấn-đề hồng-thủy bằng cách đào đất sâu cho nước suôi ra bể mà thuộc rõ tính của nó : Thủy Nhuận Hạ Tác Hàm ( ) v.v... , rồi mới suy-diễn mãi ra các tính của những thế-lực kia bằng sự thực-nghiệm .

Đứng trước những thế-lực của Vũ-trụ, ông Vũ, trong lúc đàn-tứ nghiên-tâm, cảm thấy mình cũng là một thế-lực trong những thế-lực kia, và nếu bản-chất của mình không đồng-điệu với toàn-thể, thì làm sao mà ứng-cảm tiên-liệu sự biến-hóa của nó để tìm thực-hành. Bởi vì có đồng-thanh thì mới tương-ứng, mà có đồng-khí thì mới tương-cầu, là một chân-lý của cổ- nhân lĩnh-hội trong thuần-túy kinh-nghiệm, không khác gì những giả-định tiên-thiên căn-bản của Khoa-học ngày nay, tỉ như luật về nõa-lực của Galilée, hay luật về đường song-hành trong kỷ-hà-học v.v... đều là những điều nghiệm ra thấy xác-thực, mà không thể lấy trí-thức la-tập mà giải-thích được. Vậy ông Vũ nhận thấy thế-giới là một trường hành-động của những thế-lực biến-thiên dịch-hóa vô cùng, không có cái gì đứng nguyên một chỗ bao giờ, và chính nội-giới ta đây cũng là một trường thế-lực ấy nữa. Những thế-lực ấy, tuy hành-động như là rối loạn, không có trật-tự gì hết, nhưng tựu-trung đều có phép-tắc quy-củ, sở-dĩ-nhiên và sở-đương-nhiên của nó, nếu ta chịu tìm sâu đến trung-tâm đầu mối của nó. Ông Cổn sở dĩ thất-bại, chắc vì không tới chỗ trung-tâm ấy, tưởng chỉ đem cái tài-trí quật-cường nông-nổi mà cưỡng-bách chiến-thắng những thế-lực kia là đủ. Nhưng những thế-lực của Tự-nhiên biên-hóa, ẩn hiện vô cùng, bề ngoài tưởng chúng ta đã làm chủ mà điều-khiển được nó, nhưng chẳng ngờ chính ta trong chốc lát lại hóa là trò chơi của nó ; bởi vì thuận tính tự-nhiên của nó thì thành, hễ ngược tính tự-nhiên ấy thì bại. Như nước kia là một chất mềm-mại nhu-mì, mà sao bỗng trở nên hung-bạo tràn-ngập bốn phương, chiếm đoạt cả những địa-vị của những thế-lực khác, để Vua Nghiêu đứng trước cảnh-huống phải than rằng : " Giáng thủy cảnh dư " , ( ), nghĩa là Trời đem hồng-thủy mà răn ta đấy. Vậy ông Cổn thất-bại mà ông Vũ thành-công, không phải vô cớ. Cớ chính là ông Vũ là người hiền, có đức sáng, được đời tín-nhiệm, có thể cảm-thông với Vũ-trụ mà thực-nghiệm được với cái trung-tâm của những thế-lực Tự-nhiên .

Hoặc có người hỏi : Tại sao lại bảo : " Thiên nãi tích Vũ Hồng-phạm Cửu-trù" , ( ). Trời bèn ban cho ông Vũ phép lớn chín mối. Xin trả lời : Thiên đây không phải là một Đấng Toàn-trí, Toàn-năng, đứng ở ngoài Vũ-trụ, như một vị Chúa-tể, phảng-phất nhân-tình trong tôn-giáo nhân-cách. Thiên đây chỉ là cái Trung-tâm hoàng-cực, mà cổ-nhân lấy số 5 làm phù-hiệu, đặt ở giữa Hà-đồ là biểu-tượng phương-vị hợp-hóa của các thế-lực hành-động trong nội-giới và ngoại-giới. Thiên Đại-Vũ-Mô trong Kinh Thư có viết : " Thiên chi lịch số tại nhữ cung ", ( ), ( Đạo Trời ở tại người mình ). Đạo ấy sẽ minh-hiển trong tinh-thần người nào biết, " Duy- tinh duy-nhất, doãn chấp quyết trung ", ( ) tức là người biết gắng sức tiến-đạt tới chỗ Duy-nhất tinh-túy của tâm-hồn, biết tập-trung hết năng-lực của mình, để thực-hiện lập-tường ở trung-tâm thế-giới, nghĩa là đứng giữa trường dịch-hóa của những thế-lực tư-nhiên. Đấy gọi là Thiên, tức là cái Nhất-nguyên thuần-túy, lúc tiềm-tàng khi hiển-hiện, nhưng bất cứ ở đâu, vạn-vật từ nhỏ như nguyên-tử-chất, sinh-tố-chất, lớn như các vì tinh-tú hay bấu-trời, đều châu tuần chung quanh nó, và nhờ chịu ảnh-hưởng của nó mà linh-động cùng vận-chuyển biến-thiên. Đừng tưởng nó ở đâu xa, ở đâu cũng có nó, tuy bề ngoài thì thiên-hình vạn-trạng, thiên-biến vạn-hóa, nhưng tựu-trung chỉ là một, nó đã điều-khiển sinh-thành. Cho nên Vua Vũ nhà Chu cầu đạo-thống cũ ở Kỷ-Tử có than rằng : " Hỡi Kỷ-Tử, chỉ có Trời đã ngấm-ngầm định-đoạt lòng dân, cùng với nhân-dân tương-hợp mà hành-động sống còn ". Đấy là nghĩa chữ Thiên linh-động của cổ-nhân, làm then-chốt cho Vũ-tru-quan của Đạo-học. Cổ- nhân có nói : " Vạn vật các hữu thái cực ", ( ) nghĩa là vật gì trong Vũ-trụ cũng có Thái-cực ở trong, cũng chỉ là một ý-tưởng như thế cả. Ý-tưởng ấy hiểu rõ thì là trong Vũ-trụ sự tiến-hóa của vạn-vật bắt buộc phải có điều-kiện tiềm-tàng đi trước, ví như một hạt, bất cứ của cây gì, đã sẵn ẩn ở trong cả cái mầm của cây vị-lai, nếu không thì cái hạt ấy, dù có lấy sức người bồi bổ đến đâu, cũng không từ cái thân-hình bé nhỏ, lại có thể trở nên một cái cây to lớn. Bởi vì trong Vũ-trụ không có cái gì tự-tạo, cũng không có cái gì tư-diệt, chỉ có dịch-hóa mà thôi. Vậy từ cái gì mà dịch-hóa ra cái cây hiện-tại to lớn kia, ấy là cái cây vị-lai tiềm-tại trong cái hạt. Cái sức tiềm-tại ấy ở vạn-vật trong vũ-trụ gọi là Thái-cực hay là Thiên .

Vậy Vua Đại-Vũ đã nuôi được cái đức để phát-triển sức tiềm-tại ở tâm-hồn do đấy mà có thể cảm-thông với Thiên Địa mới phát-minh ra luật Ngũ-hành để giải-quyết vấn-đề hồng-thủy lúc bấy giờ, là một vấn-đề sống còn của cả một dân-tộc bắt đầu khai-thác đất Trung-quốc. Tuy luật Ngũ-hành có tính-cách phổ-thông và nhất-định, nhưng khi đem ra áp-dụng, thì ở mỗi hoàn-cảnh địa-phương lại tùy điều-kiện khách-quan ở đấy mà thay đổi phương-vị. Cho nên ở địa-thế sông Hà, ông Vũ ứng-cảm một cách về phương-vị về Ngũ-hành, và ở tình-thế sông Lạc, ông ứng-cảm một cách khác. Do đấy mà có Hà-đồ Lạc-thư, khác nhau ở phương-vị hình-thức, còn bản-chất của nó vẫn không thay-đổi .

Đến đây ta tạm thấy lai-lịch thực-nghiệm của luật Ngũ-hành, một phương-pháp áp-dụng vào thực-tế của cái Đại-vũ-trụ-quan, nền-tảng trong Đạo-học. Vậy ta lại xét chính phần triết-lý uyên-thâm của quan-niệm ấy xem thế nào ? Ngoài thiên Hồng-phạm trong Kinh Thư, ta phải cần nghiên-cứu đến bộ Kinh Dịch, cũng là một tài-liệu cổ-điển. Hậu-Nho thường cho bộ Kinh Dịch như là bộ sách chuyên-môn về bói-toán bốc-phệ. Thực là một sự nhầm lớn vậy. Cổ-nhân Thánh-hiền không phải quá tin nhảm như những hạng trí-thức ở thời-đại suy-đồi. Nếu thảng-hoặc đời xưa người ta có nhờ đến bói rùa hay cỏ-thi để quyết-định một việc gì đi nữa, thì những bậc chân-chính Thánh-hiền vẫn coi sự bói-toán như là một việc phụ-thuộc, có thì cũng giúp thêm tài-liệu để thí-nghiệm hiệu-lực của sự chí-thành trong thâm-tâm, nhưng trước hết phải xét sự tự-tin ở chính mình, vì chỉ mình có thành-thực, có kiên-quyết, sức cảm-thông của tâm-hồn có thực-lực, thì nó mới ứng-nghiệm vào hiện-tượng ở ngoài cho mà thấy. Vì cái đức trong lòng, đối với cổ-nhân, không phải là một khái-niệm hình-thức, một lý trừu-tượng vô-hồn, nó là một năng-lực có thể phát-hiện ra chân tay, ra ngũ-quan, mà hấp-dẫn với sự vật chung quanh .

Ta xem như khi Vua Thuấn nhường ngôi cho Vua Đại-Vũ, thì Ngài đã xét rõ người hiền-năng, có đức nhân-hậu, cảm-hóa được quốc-dân, " khắc cần vụ bang, khắc kiệm vụ gia ", ( ), Vua Vũ còn khiêm-tốn, định từ-chối mà tím hết cách để thoái-thác, sau hết vin cớ là chưa hỏi bốc-phệ, thì Vua Thuấn bèn trả lời ngay :
" Đế viết : Vũ quan chiêm duy tiên tế chí ; côn mệnh vụ nguyên qui " , ( ), Nghĩa là Vua nói : Hỡi người Vũ, những đế-vương lập quan bốc chiêm, chỉ cốt xem chí định trước đã, rồi sau mới tìm phát-hiện ở nguyên qui .

Lại như Kỷ-Tử truyền cho nhà Hạ đạo-thống đời trước, có nói về bốc-phệ : " Khi nào nhà Vua có điều ngờ lắm, thì hãy hỏi ở chính lòng mình, rồi hỏi đến quần-thần, rồi hỏi đến nhân-dân, sau cùng hãy hỏi đến bốc-phệ " .

Xem như thế cổ-nhân lấy sự tự-tin ở mình, lấy sự thành-tâm làm đầu các động-cơ trong hành-động. Vậy Kinh Dịch trước hết là bộ sách Triết-học, thuyết-minh về sự liên-lạc tương-quan giữa loài người và vạn-vật, nghĩa là cả một quan-niệm về Vũ-trụ và Nhân-sinh của cổ-nhân. Dịch là Động là Thiên-di đổi chỗ, từ chỗ này ra chỗ khác, đổi thể, từ vật nọ ra vật kia. Dịch là vật biến-hóa của thế-giới. Cổ-nhân ngưỡng quan thiên-văn, phủ-sát địa-lý, nghĩa là lấy sự quan-sát kinh-nghiệm mà tìm ra lẽ Dịch ở Vũ-trụ. Trông ra ngoại-giới thì vật đổi sao dời, mây bay nước chảy, gió chuyển cây rung, tối đi sáng lại, mặt-trời lặn, mặt-trời mọc. Kìa chỗ này mới ngày nào là bể là sông, nay đã thành bãi thành cồn, v.v... Ấy là mới nói những vật vô-tri mà còn biến-cải như thế, huống-hồ những sinh-vật và động-vật. Mùa xuân cây cỏ xanh tốt, nẩy lộc đâm mầm ; hạ đến ra hoa kết quả ; thu lại lá vàng quả chín ; kịp tới đông tàng-tích lấy sinh-khí để đợi đến mùa sau phát-tiết. Cứ thế chả mấy lúc, cái cây cũng sẽ cằn cỗi mà chết già. Lại như con người ta từ khi lọt lòng mẹ ra, oe oe đòi bú, chẳng mấy lúc mà đã già kề miệng lỗ. Vậy ở ngoại-giới có cái gì đứng yên một chỗ đâu, có gì không thay đổi đâu .

Khoa-học càng chế được khí-cụ quan-sát mỗi ngày một tinh-xảo, thì người ta càng nhìn được sâu vào trong sự vật : Tỉ như một hạt phấn nhụy-hoa, nhỏ đến phải nhờ đến kính hiển-vi mới nhìn rõ. Đem nó thả vào trong một cốc nước thật trong sạch, để cốc ấy một nơi thật yên-tĩnh, qua kính hiển-vi, thấy hạt nhụy kia cứ luôn luôn vận-động chạy đường chữ chi không bao giờ ngừng, dù để một năm hai năm, cốc nước thật yên-lặng cũng vậy. Sự vận-động ấy Khoa-học gọi là vận-động bronien. Suy từ gần đến xa thì tất nước phải do những đan-tử nhỏ hơn nhụy-hoa, không thể trông thấy qua kính hiến-vi, những đan-tử ấy hợp thành nước và có tính luôn luôn vận-động, cho nên hạt phấn nhụy-hoa chịu ảnh-hưởng mà phải vận-động theo. Cứ như thế đi sâu mãi vào nội-giới của vật-thể, người ta thấy ngay trong đan-tử của nước lại do những nguyên-tế nhỏ hơn, gọi là điện-tử, nó vận-chuyển tuần-hoàn, không bao giờ nghỉ .

Nhìn vào nội-giới con người lại càng hiển-nhiên sự biến-chuyển đổi thay. Trong một chớp mắt không biết bao nhiêu ý-nghĩ, hay là cảm-giác nó chuyển-vận trong đầu óc ta. Đương đứng ngắm cái hoa, ta bèn nghĩ đến mùi nước hoa thơm lạ trong một bữa tiệc, ta lại nghĩ đến trong một đám ma có bao nhiêu vòng hoa v.v... Cứ thế mà liên-tưởng đến những điều tích-lũy trong ký-ức. Một tiếng hay một xúc-cảm gì do sự vật ở ngoài khích-động vào giác-quan ta, làm rung động thần-kinh-hệ, truyền vào trung-tâm ý-thức, ở đây nó phối hợp với nhau mà biến thành ý-tưởng khái-niệm. Vậy nội-giới cũng như ngoại-giới, đều là những hiện-tượng biến-thiên dịch-hóa vô cùng. Khổng-Tử đứng trên bờ sông, nhìn giòng nước chảy mà trước cảnh sinh tình, cảm-thông với đạo-thể chu-lưu trong thiên-hạ khó bề đồng-nhất mà than : " Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ ", ( ), ( Trôi chảy mãi như thế ru, ngày đêm không thôi ). _ Luận-Ngữ .

Vậy Dịch là quan-niệm động về Vũ-trụ, là đạo biến-thiên của vạn-vật, là sự khởi-thủy của thế-giới, vì bắt đầu có sự vật là động, động là luật sống còn của Vũ-trụ .

" Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo. Ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ sát ư địa lý, thị cố tri u minh chi cố ; nguyên thủy phản chung, cố tri tử sinh chi thuyết ; tính khí vi vật, du hồn vi biến, thị cố tri quỷ thần chi tình trạng " _ Hệ-Từ, Dịch. ( Dịch là phỏng theo luật-pháp của Trời Đất, cho nên có thể gần đường mối của đạo Trời. Ngẩng lên để ngắm suy những hình-tượng, cúi xuồng xét nghiệm mạch-lạc của sông núi, cho nên biết cái tối là nguyên-nhân của cái sáng, cái chung-kết lại trở về cái nguyên-thủy, cho nên biết lý lẽ của đạo sống chết ; cái khí kết-tinh lại thành vật-thể, cái tinh-lực không định chỗ là biến, cho nên biết tình-trạng của quỷ-thần là những lực chưa hiển-hiện .

Vậy đó là Dịch-học có tinh-thần Khoa-học ở chỗ tìm tòi cái quá-trình của sự vật, để đón biết cái hiện-tại và tương-lai, khác với tinh-thần cơ-giới ở chỗ không tin sự vận-động ở thế-giới là thuận-tiến, mà tin ở sự ẩn-hiện mâu-thuẫn. Vả lại sự vật đã vô cùng, không có hình-thể nhất-định, mà sức thông-minh của ta thì có giới-hạn, ta làm sao mà đạt được sự thực-tại đương-nhiên của sự vật, nếu ta không tiến-hóa cùng với thực-tại. Nhà triết-lý về lý-trí thuần-túy người Đức là ông Kant có nói : " Bản-thể của sự vật ta không thể biết được " là nói cái sức thông-minh hiện-tại có giới-hạn của ta, gồm lý-trí với ký-ức, không thể biết đến cái nguyên-thủy linh-động luôn luôn biến-hóa ẩn-hiện của sự vật. Vậy cổ-nhân Đông-phương không tin ở một lý-trí để nhận-xét Vũ-trụ, mà còn nhờ đến Thần-lực để thực-hiện bản-nhiên của Vũ-trụ. Ấy là tinh-thần Dịch vậy. Cho nên phải có tinh-thần Dịch thì mới biết được lẽ Dịch ở sự vật ; nghĩa là lẽ Dịch ấy nó có tính bất-định không thể cụ-thể mà hình-dung được ; nó chỉ ứng vào tinh-thần nào đồng-điệu với nó, thì mới có thể thuần-túy kinh-nghiệm được nó, nghĩa là tinh-thần nào sinh-nhi-tri hay là đã tu-luyện theo phương-pháp sinh-lý tâm-lý thực-nghiệm, mà có thể siêu-cảm siêu-hình, hớa-thông đồng-nhất với thực-tại, hay là bản-thể của sự vật .

Tinh-thần Dịch của cổ-nhân thực là huyền-diệu vô cùng, vì nó là bản-tính huyền-diệu của thực-tại. Người nào không có cảm-thông với nó ít nhiều trong tâm-hồn, thì không sao hiểu bằng sự diễn-giải thuần-lý được, cũng như ta khó tưởng-tượng cái không-gian bốn chiều là dài, rộng, cao, hẹp, hợp với thời-gian trong thuyết Tương-đối của Einstein, chỉ có thể giả-định bằng danh-từ số-học được thôi, nhưng như thế có phải cái không-gian bốn chiều là không có đâu. Vả lại dù ta có hiểu Dịch-lý bằng trí-thức la-tập duy-lý đi nữa, thì ta cũng không dùng nó làm gì được ; bởi nó là một khuynh-hướng của thực-tại, cho nên ta phải " Thể " được nó, nghĩa là phải hiểu nó bằng tri-hành hợp-nhất thì mới cảm-thông được sự vật. Nếu ta đành an-phận làm nô-lệ cho sự vật, chỉ cần hiểu những vật đã qua, những hình ảnh chết, do trí-tưởng ta đã nặn ra cho hợp-lý, thì ta không cần phải tìm-tòi gắng sức gì hơn nữa ; nhưng nếu ta còn muốn tấn-tới, muốn dự phần tự-do để ảnh-hưởng số-mệnh nhất-định, thì ta phải hiểu thấu đến sự vật sống linh-động hiển-nhiên ở trước mắt ta, ta phải thực-hiện lẽ Dịch trong tâm-hồn ta. Bởi vì chỉ có lẽ Dịch mới bao-quát thấu-triệt được thực-tại, thống-quan được Vũ-trụ, linh-nghiệm được vạn vật. Cho nên tinh-thần Dịch là tinh-thần thuần-túy kinh-nghiệm, là tinh-thần thực-thể của sự vật, không đối-tượng sự vật với trí nhận-thức, mà đồng-nhất khách-quan với chủ-quan. Nếu ta có thể đồng-thể với sự vật ta muốn biết, thì cái biết của ta mới càng thâm-thúy hoàn-toàn. Trên con đường nhận-thức, nếu có lúc ta phải phân-biệt ra khách-quan và chủ-quan, cái này với cái kia, ta với ngoài ta, chẳng qua chỉ là một cách phương-tiện, vì không phải một lúc mà đạt tới sự khoát-nhiên bao-quát của tinh-thần thuần-túy kinh-nghiệm trong Đạo-học.

Nhưng rồi đến lúc muốn biết cho thấu-triệt, đạt tới thống-quan bao-trùm của sự vật, nghĩa là muốn thực-hiện sư vật trong tinh-thần, chứ không phài chỉ có một quan-niệm trừu-tượng thuần-lý lờ-mờ, thì phải theo cổ-nhân mà dùng sức cả trí lẫn thần, ví như cổ-nhân đã nói : " Thần dĩ chi lai, trí dĩ tàng vãng ", ( ), nghĩa là dùng thần để đo cái chưa tới, mà trí thì nhắc lại cái kinh-qua ). Ngày nay thế-giới hay thượng trí, mà quên mất thần, bỏ mất lẽ biến-thông mà chỉ vụ vào sự cụ-thể, thực là một sự thiên-lệch tai-hại cho sự phát-triển hoàn-toàn cái Bản-ngã của nhân-loại, để đến nỗi nhân-loại đang lâm vào hiểm-tượng diệt-vong của cơ-tâm đẻ ra bởi trí cơ-giới !

Thâm-ý của cổ-nhân không mong chiến-thắng với thế-lực của Tạo-hóa, mà chỉ cốt đồng-nhất với thế-lực ấy, để dịch-sử theo luật tiến-hóa của Tự-nhiên, cùng với Tự-nhiên cùng đồng-hóa thuận với khuynh-hướng ngấm-ngầm của Vũ-trụ, là quy-nguyên về chỗ nhất trung-tâm, để cùng với Trời Đất tham-dự vào cuộc sinh-thành hóa-dục bất-tuyệt. Cho nên những bậc Thánh-hiền đời cổ không có ý đối-lập với sự vật mà phân chia ra hai phương-diện : khách-quan với chủ-quan, theo phương-pháp la-tập của lý-trí, mục-đích là tri rồi mới hành. Trái lại, cổ-nhân muốn thực-hiện nguyên-thủy của sự vật, tư coi mình là một phần-tử của Đại-toàn-thể, không thể mong vượt ra ngoài toàn-thể, để đem sự vật đối-tượng với ý-thức, ví như con cá vẫy vùng trong giòng nước, không thể vượt ra ngoài giòng nước để nhìn lại mặt nước, cho nên chỉ phải tìm cách đồng-nhất mình với hoàn-cảnh mà thôi. Sự đồng-nhất ấy không do Trí mà do Thần, nghĩa là tím thực-hiện cái nguyên-động-lực thuấn-túy trong nội-giới tinh-thần ta, nó cùng đồng một thể với cái nguyên-động-lực bàng-bạc trong Vũ-trụ và kết-tinh ( khúc-thành ) ( ) ra vạn-vật. Chỉ có cái Thần ấy, tức là cái tinh-túy thần-lực thì mới có thể đạt tới lẽ Dịch, bởi vì với cái Dịch là không có định-thể, thì phải lấy cái Thần không có định-phương để cảm-ứng phối-hợp với nó. Cho nên Hệ-Từ mới có câu : " Phạm vi thiên địa nhi bất quá, khúc thành vạn vật nhi bất di, thông hồ trú dạ nhi trí, cố thần vô phương, nhi dịch vô thể ", nghĩa là : ( Bao gồm sự biến-hóa trong trời đất mà không ra ngoài, kết-tinh lại thành hình-chất của vạn-vật mà tơ hào không sót. Thông hiểu luật vãng lai của ngày đêm. Cho nên Thần-lực bàng-bạc không có định-phương, mà đã biến-dịch thì không có định-thể ).

Cổ-nhân suy lẽ biến-dịch trong trời đất, từ sự vãng lai của ngày đêm sáng tối, vì vãng lai là căn-bản hết thảy những ba-động, mà thế-giới này chính là một trường ba-dộng-lực. Xét ở bề ngoài thì thiên-hình vạn-tưọng, thiên- si vạn-thù, nhưng tựu-trung căn-nguyên cũng chỉ là ba-động : ánh-sáng là ba-động của từ-điện-lực như khoa tân-lý-học ngày nay đã xác-chứng, thanh-âm là ba-động của vật-thể bị khích-thích, cả đến vật-chất cụ-thể trước mắt ta đây, có vẻ bất-di bất-dịch, mà ở phạm-vi tiểu-vũ-trụ của nó, cũng chỉ toàn là điện-tử vận-động vãng-lai. Nếu đi sâu vào một chút nữa, thì điện-tử ấy, tuy bề ngoài có tính-cách gián-đoạn của một số chẵn là đan-tử, mà kỳ thực lại chỉ là những trạng-thái bất-thường của hai dòng ba-động tử-điện-lực, dòng nọ ngược dòng kia suôi, hai dòng thừa trừ lẫn nhau mà sinh ra những phương-diện tương-đối, ở đây thì miên-tục, ở đàng kia thì gián-đoạn của một nhất-nguyên. Ấy là lý-thuyết có tính-cách thực-nghiệm, dựa vào sự tương-tự giữa ba-âm với điện-ba mà khoa tân-vật-lý ngày nay đã đề-xướng để giải-thích về vật-tính .

Vậy theo như thiên Hồng-phạm và Dịch Kinh Bát-quái, là những tài-liệu cổ-điển còn lại, ta thấy cổ-nhân quan-niệm Vũ-trụ là một trường biến-dịch của những thế-lực. Nhưng thế-lực ấy tuy biến ra vô cùng phức-tạp, song quy lại chỉ có Ngũ-hành là năm thế-lực chính mà cổ-nhân biểu-hiệu là : Thủy , Hỏa , Mộc , Kim , Thổ . Song thế-lực Ngũ-hành ấy cũng chỉ có tính-cách tương-đối, chứ không phải tuyệt-đối, nó biến-thiên dịch-hóa luôn luôn, cái nọ phối-hợp với cái kia, tương-sinh tương-khắc mà sinh thành vạn-vật. Luật phối-hợp tương-sinh tương-khắc ấy lại phải suy lên một tầng nữa, để tìm đến luật biến-dịch phổ-thông hơn, nó là động-cơ chung cho cả toàn-thể đại-đồng, ấy là luật vận-động vãng-lai tuần-hoàn, nguyên-nhân của các ba-động, mà cổ-nhân đã nghiệm thấy ở sự vãng-lai của ngày và đêm, tối và sáng, mặt-trời và mặt-trăng, cùng bốn mùa tuần-hoàn thứ-tự. Sự vận-động vãng-lai kia, xét đến căn-nguyên lại do bản-tính tương-đối của các thế-lực Ngũ-hành. Thế-lực nào cũng bao-hàm tính mâu-thuẫn là mẹ đẻ ra sự biến-hóa, và là mầm-mống tiềm-tàng hay hiển-hiện của sự vật. Nào tối với sáng, nào nóng với lạnh, nào dắn với mềm, nào nặng với nhẹ, nào thăng với giáng v.v... Cổ-nhân biểu-hiệu tính tương-đối ấy là âm, dương . Âm, Dương chỉ là phù-hiệu tương-đối của một lẽ Dịch. Phàm những thế-lực trong Vũ-trụ đã hiển-hiện trực-tiếp với ngũ-quan ta, chỉ ở phương-diện tương-đối của nó mà thôi, ta nhận-thức nó cũng ở phạm-vi tương-đối ấy. Nó luôn luôn thay đổi, ta cũng luôn luôn tiến-hóa, thì trí-thức của ta cũng phải tiến-hóa theo. Vậy nên Đạo-học không tin ở trí-thức hiện-tại của tinh-thần, mà có khuynh-hướng trở về nguyên-thủy của sự vận-động, đi sâu vào trung-tâm Duy-tinh Duy-nhất của các thế-lực chưa bắt đầu lay động, cảm với đầu-mối Thuần-nhất của hiện-tượng, vì chỉ có chân-lý ở chỗ không thay đổi, không tương-đối, duy-nhất tuyệt-đối mà thôi .

Như thế không phải Âm, Dương không có, nó có thực, vì hàng ngày nó hiển-hiện trước mắt ta, nhưng bao giờ nó cũng tương-đối mà có, chứ không thể đứng độc-lập một mình được. Vạn-vật không có cái gì là thuần Âm, cũng không có cái thuần Dương ; ở trong cái bề ngoài là Dương, đã sẵn ẩn cái Âm, cũng như ở trong cái Âm đã nằm sẵn cái Dương, chờ cơ-hội là phát-hiện. Ta có thể lấy miếng sắt nam-châm, từ chất nó mà giải-thích nghĩa : " Âm trung chi Dương, Dương trung chi Âm " của cổ-nhân : Miếng sắt nam-châm để nguyên, thì một đầu chỉ về phương Bắc, gọi là Bắc-cực B, một đầu chỉ về phương Nam, gọi là Nam-cực N. Tạm gọi Nam-cực là Âm, Bắc-cực là Dương. Nay cắt đôi miếng sắt ấy ra, ta lại có hai miếng sắt nam-châm, mà ở mỗi miếng cũng có hai đầu Nam-cực và Bắc-cực, hay là Âm và Dương. Cứ thế mà chia mãi miếng sắt đầu tiên thành muôn ngàn miếng sắt nhỏ khác, thì mỗi miếng vẫn có hai đẩu Âm và Dương. Vậy Âm, Dương là hai tính của một vật, bao giờ cũng đi đôi, mất thì đồng thời cùng mất, mà còn thì đồng-thời cùng còn. Nhìn về phương-diện biến-dịch tiến-hóa của sự vật, thì trong vạn-vật có cái lúc thì Dương thịnh, có cái lúc thì Âm thịnh, Âm tĩnh thuộc về hình-thức thể-chất, Dương động thuộc về tinh-thần vô-hình. Âm hiện, Dương ẩn. Vạn-vật cứ vận-động trong vòng Âm, Dương tương-đối, hết tiến về Âm đến cực lại chuyển sang Dương, và ngược lại, Dương cực lại phản-hồi về Âm. Âm, Dương là hai cực-đoan trong sự vận-động của Tạo-vật. Tĩnh và động là hai trạng-thái của sự biến-hóa. Âm thuộc về giống cái, Dương thuộc về giống đực, Âm thịnh ở nữ, Dương thịnh ở nam, Âm có tính nhu, Dương có tính cương. Âm, Dương thôi thúc nhau, cương, nhu đun đẩy nhau mà thành biến-hóa, sinh ra các hiện-tượng ở thế-giới này. Phật-học thường lấy mặt nước bể với sóng nhấp-nhô để biểu-thị hiện-tượng tương-đối. Nước mà động thì mới có sóng, chỗ cao xen chỗ thấp, khi nước tĩnh thì những chỗ cao thấp biến đi, mà mặt sóng lại chìm vào bể. Sự vật trong thế-giới này cũng vậy. Lớp sóng có vì sự động của nước bể, nó có thực hiển-nhiên, chứ không phải ảo-ảnh đâu, vì nó làm thuyền ta tròng-trành có thể bị đắm. Nhưng cũng không phải nó có một cách tuyệt-đối, vì nếu không có nước bể động-dao thì nó lấy gì mà có. Vậy nước bể mới phải là bản-nhiên thực-thể của nó, cho nên Âm, Dương cũng do sự biến-dịch của một cái thực-thể tuyệt-đối, ấy là Thái-cực. Sự thôi-thúc đun đẩy của Âm, Dương là phản-ảnh của cái Duy-tinh Duy-nhất nằm ở trung-tâm vạn-vật nó phát-hiện .

" Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái ", (), Nghĩa là : ( Trong Dịch có Thái-cực cho nên mới sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra bốn tượng, bốn tượng sinh ra tám quẻ ).

Vậy Thái-cực là gì ? Ta không thể lấy khái-niệm danh-từ có tính-cách nhân-bản mà tả chân được. Ngồi yên ngẫm-nghĩ trong lúc lòng ta không vọng-động, thanh-tịnh thì ta cảm thấy nó là cái thuần-nhất vô-hạn, ví nó thấm-nhuần cả vạn-vật, bao-trùm cả thế-giới ; ta là một vật hữu-hạn cả tinh-thần lẫn vật-chất, ta không thể lấy cái hữu-hạn mà đo cái vô-hạn mà ta nằm ở trong. Đức Ramakrishna là Sư-tổ của đạo-sĩ Vivékananda có ví người ta như con búp-bê nặn bằng muối, một hôm muốn đo xem nước bể nông sâu, bèn cầm thước định lặn xuống. Nhưng vừa bước chân vào nước, thì búp-bê muối đã tan ra trong nước rồi. Vậy với sức thông-minh của ta, ta chỉ mô tả được sự tương-đối của Âm, Dương chứ không thể lý-giải bằng trí-thức la-tập cái Thái-cực được. Tuy-nhiên ta có thể biết Thái-cực một cách thâm-thúy hơn, hơn là với trí-thức la-tập, dùng phương-pháp đối-tượng vật muốn biết với người quan-sát, ấy là sự thực-nghiệm Thái-cực, trở nên Thái-cực, đồng-nhất khách-quan với chủ-quan, tức là hợp-nhất tri-hành trong sự cảm-thông trực-giác Thái-cực. Vậy thực-hiện Thái-cực, không những biết Thái-cực như trí-thức la-tập mà còn đồng-hóa với Thái-cực, cùng Thái-cực cùng biến-thông trong vũ-trụ, tức là nhập vào thuần túy kinh-nghiệm của siêu-thức tinh-thần, bao-hàm cả tiềm-tại và hiện-tại ý-thức vậy .

Đứng trong siêu-thức với tinh-thần thuần-túy kinh-nghiệm, Thánh-nhân thông suốt vũ-trụ bằng quan-điểm của Thái-cực, cảm với thâm tâm mật-thiết của sự vật mà hiểu-biết đường mối tương-quan thống-nhất của cá-nhân và toàn-thể. Đứng ở đấy, người ta mới cảm thấy khuynh-hướng của sự vật luôn luôn dịch-hóa biến-thiên và nhất nhất thi thố ở hành-động hay ngôn-từ đều trúng-tiết luật Tự-nhiên, chứ không bị lễ-thuộc vào hình-thức của sự vật mà chạy đuổi theo hiện-tượng. Cho nên ở phạm-vi nhân-sinh-quan hay nhận-thức-quan cổ-nhân qui-hướng cả vào Hoàng-cực, nghĩa là chỗ Đại-trung của sự vật trong Dịch-lý, nghĩa là chỗ nhất-nguyên-tố động-lực ở thế-giới, vì chỉ ở đấy người ta mới ra ngoài không-gian và thời-gian hình-thức, thống-nhất nhân và quả, đạt đến một quan-điểm hội-thông, một ý-thức thống-nhất về vũ-trụ, mà thể được sự biến-hóa trong sự vật .

Cho nên thiên Hồng-phạm nói : " Kiến dụng hoàng cực, hoàng cực hoàng kiến kỳ hữu cực ", ( ),
Nghĩa là : ( Phàm thiết-lập sự gì, phải đứng ở trung-tâm sự lý đương nhiên, mà dùng đạo Đại-trung. Đạo Đại-trung, cái vĩ-đại lập ở chỗ trúng-tiết .) Cho nên Hà-đồ và Lạc-thư, số năm là số Hoàng-cực đứng ở giữa, vì theo cổ-nhân, lấy số mà tạm biểu-thị sự biến-dịch có trình-tự trong vũ-trụ mà lượng biến thành phẩm, và trái lại . Trời một đất hai, trời ba đất bốn, trời năm đất sáu, trời bẩy đất tám, trời chín đất mười. _ Cộng số trời là 25, cộng số đất là 30, vậy thì 5× 5 = 25 và 5 × 6 = 30. Cho nên " thiên số ngũ, địa số ngũ, ngũ vị tương đắc nhi các hữu hợp ", ( ) Nghĩa là : ( Trong một vòng tiến-hóa từ một đến mười, có năm lần số Âm và số Dương gặp nhau, gặp nhau mà có hợp thì là 1 với 6 lẻ 5, tức là " Nhất biến sinh thủy, lục hóa thành chi " ( ) ( số 5 nằm ở trong ),
" Nhị hóa sinh hỏa, thất biến thành chi " ( ) ( số 5 nằm ở trong ),
" Tam biến sinh mộc, bát hóa thành chi " ( ) ( số 5 nằm ở trong ),
" Tứ hóa sinh kim, cửu biến thành chi " ( ) ( số 5 nằm ở trong ),
" Ngũ biến sinh thổ, thập hóa thành chi " ( ) ( số 5 nằm ở trong ). Ta xem như thế đủ thấy Hoàng-cực là số 5 đứng giữa, đối với cổ-nhân quan-trọng là thế nào. Ấy là cổ-nhân tạm mượn số 5 mà chỉ cái trung-tâm của các thế-lực lưu-hành trong vũ-trụ .

Lại như ở Thượng-Thư ta càng thấy tỏ rõ cái khuynh-hướng vào chỗ duy-nhất trong tinh-thần cổ-nhân :
" Phỉ thiên tư ngã Hữu-Thượng, duy thiên hựu vu nhất đức. Phi Thương cầu vu hạ dân, duy dân quy vu Nhất đức. Đức duy Nhất, động vọng bất cát, đức nhị tam động vọng bất hung. Duy cát hung bất tiếm tại nhân, duy thiên giáng tai tường tại đức. Kim tự vương tâu phục quyết mạnh, duy tân quyết đức. Chung thủy duy Nhất, thời nãi nhật tân ",

Nghĩa là : ( Không phải Trời tư vị cho nhà Thương, ấy là trời tựa đức thuần Nhất. Không phải nhà Thương cầu gì dân-chúng, chỉ vì chúng nhân hay về với Đức thuần Nhất. Đức mà thuần Nhất, làm gì cũng lành, Đức mà bất Nhất làm gì cũng giở. Cái luật Cát-hung không sai suyển, chỉ cốt tại ở người ta. Trời giáng tai, giáng phúc là cốt tại ở Đức. Nay nhà Vua kế-tự, mới chịu mệnh trời, chỉ làm tấn tới cái Đức ấy. Trước và sau duy Nhất, theo thời mà tiến-triển, ngày một mới thêm ).

Lại nói : " Đức vô thường sư, chủ thiện vi sư. Thiện vô thường chủ, hiệp vu khắc Nhất "
Nghĩa là : ( Đức không có phép thường nào, chỉ lấy điều lành làm chuẩn-đích. Điều thiện không có chủ ý nhất-định, chỉ hiệp về với kẻ qui-hướng vào chỗ duy Nhất ).

Ta xem thế đủ biết ở tinh-thần Đạo-học xưa, cái khuynh-hướng về chỗ Duy-Nhất mãnh-liệt và quan-hệ là nhường nào. Có cảm với cái trung-tâm Duy-tinh Duy-nhất là đầu mối tương-quan giữa tiểu vũ-trụ và đại vũ-trụ, giữa nội-giới và ngoại-vật thì mới hiểu biết đến cùng cực sự-lý đương-nhiên, hợp-nhất cái trí và cái tâm, sự đã trải với sự vị-lai, tức là trí chi cách vật đồng thời mới đạt tới đạo trung-hòa mà hành-động kịp thời vậy .

Cho nên Hệ-Từ có viết : " Phù đại nhân giả dữ thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ quỷ thần hợp kỳ cát hung. Tiên thiên nhi thiên bất vi hậu thiên nhi phụng thiên thời, thiên khả bất vi, nhi huống ư nhân hồ, huống ư quỷ thần hồ " Nghiã là : ( Ôi người đại-nhân thông đạo kiền-khôn, có cái đức thịnh phối-hợp với đức sinh của trời đất, phối-hợp với đức sáng của nhật nguyệt, phối-hợp với sự tuần-hoàn với bốn mùa, phồi-hợp với sự cát-hung của quỷ-thần. Biết trước sự vị-lai mà không sai, thờ-phụng sự hiện-tại mà trúng-tiết. Đã không sai luật tự-nhiên của trời đất thì sao lại không hợp với lòng người, không hợp với khuynh-hướng trầm-tiềm của những thế-lực tự-nhiên còn ẩn ? ) Đấy là sự thành-công của việc thực-hiện trong tinh-thần cái trung-tâm Duy-tinh Duy-nhất những thế-lực biến-hiện cấu-thành Tạo-vật mà cổ-nhân gọi là Hoàng-cực hay là Thái-cực trong Đạo-học .

Khoa-học thực-nghiệm Thái Tây cận-đại có dẫn-giải ở trên, đi từ ngoài đa-nguyên vạn-thù, từ hình-tượng sai-biệt của sự vật, mà lần lần vào chỗ đơn-giản bằng phương-pháp thí-nghiệm và suy-luận ; trên đường đi có đặt những giả-định tạm thời như những bậc thang để rồi phá hủy sau khi đã vượt qua không cần dùng đến nữa. Nhưng theo nhà triết-học thực-nghiệm Meyerson đã chứng-giải và tuyên-bố : " Những giả-định thì mất dần, nhưng bao giờ cũng vẫn còn lại một đại giả-định ". Cái đại giả-định ấy, nếu phá bỏ đi thì cả lâu-đài Khoa-học cùng sụp đổ. Đại giả-định ấy chung qui là giả-định có cái Duy-Nhất trong vũ-trụ vậy. Ta hãy nhìn con đường tiến-hóa của vật-lý-học và của hóa-học, điện-học, là những Khoa-học thực-nghiệm về vật-chất. Khuynh-hướng của nó đi về đâu, há không phải đi về cái Duy-nhất đó ư ? Hoá-học dần dần mất tính-cách độc-lâp mà trở nên phu-thuộc vào vật-lý, để rồi điện-học sẽ chi-phối hết thảy, mục-đích của Khoa-học là đi tìm một cái nguyên-chất đơn-nhất, cấu-thành các chất khác trong vũ-trụ ; vật-lý đi tìm đến nguyên-động-lực chi-phối sinh-thành ra các thế-lực khác. Ngày nay với cái tân-vật-lý thì cái nguyên-chất của hóa-học lại đồng-nhất với cái nguyên-động-lực Duy-Nhất của vật-lý-học. Vậy thử hỏi, nếu cái khuynh-hướng vào trung-tâm Duy-Nhất không trầm-tiềm hành-động trong tinh-thần những nhà Khoa-học thực hy-sinh cho chân-lý, thì làm sao lại có cái kết-quả ngẫu-nhiên ấy được. Ông Vivékananda, cuối thế-kỷ thứ XIX đã viết : "Khoa-học thực-nghiệm về vật-chất cũng chỉ là sự đi tìm tòi khám-phá cái Duy-Nhất ; hễ khi nào nó đạt tới mục-đích Duy-Nhất tuyệt-đối thì nó sẽ dừng mà không tiến-bộ nữa, bởi nó đã đến đích vậy. Hóa-học sẽ dừng khi hóa-học đã tìm thấy nguyên-chất Duy-Nhất ; vật-lý-học sẽ dừng khi vật-lý-học khám-phá ra nguyên-động-lực Duy-Nhất ; Khoa-học tâm-linh sẽ dừng khi Đạo-học đã thấy được bản-nhiên Duy-Nhất của sự sống. Đạo-học không thể tiến hơn. Ấy là mục-đích chung cho hết thảy Khoa-học ".

Vậy theo lời kết-luận của ông Romain Roland : " Duy-Nhất là giả-định bắt buộc làm nền-tảng cho những sự xây-dựng của Khoa-học. Đối với Đạo-học, cái Duy-Nhất giả-định bắt buộc ấy có giá-trị của một Tuyệt-đối, của một Thái-cực ." Những nhà Khoa-học thực-nghiệm chân-thành cũng cảm thấy cái Duy-Nhất đương-nhiên bắt buộc ấy lắm, nhưng họ không sao chứng-giải được, vì những khí-cụ để thí-nghiệm và suy-diễn đều thuộc về tương-đối. Họ loay hoay trong vòng tương-đối, mà cái Thái-cực Duy-Nhất kia lại là trung-tâm tuyệt-đối mà nhà Đạo-học thực-hiện bằng thuần-túy kinh-nghiệm ở tại nội-giới tinh-thần ta. Hiện nay Khoa-học chưa kết-luận chấm hết, nhưng dù sao càng ngày cái khuynh-hướng Duy-Nhất ấy càng rành rành, thì một ngày sắp tới đây, một tinh-thần Khoa-học chân-chính, như ở Einstein hay J. Jams v.v... sẽ xuất-hiện cho nhân-loại mà nâng Khoa-học lên bậc cao hơn tinh-thần cơ-giới, và sát-nhập vào Đạo-học, để cùng cộng-tác thực-hiện cái Trung-tâm Hoàng-cực Duy-Nhất của cổ-nhân Trung-Hoa, vạch cho nhân-loại một con đường thẳng tiến đến Thái-cực, thì bấy giờ nhân-loại sẽ được thấy một cảnh rạng-đông mới mẻ tốt tươi của sự dung-hòa thỏa-hiệp hai nửa con người là Tâm và Trí, hai khuynh-hướng của nhân-loại là Đông và Tây .

Song, ngay từ bây giờ, chúng tôi dám quyết rằng tương-lai của thế-giới trông cả vào Đạo-học, và Đạo-học sẽ bao-hàm lấy tinh-thần Khoa-học, tiên-phong hướng-đạo cho Khoa-học thực-nghiệm về vật-chất, nếu không thì chóng chầy sẽ thấy ngày diệt-vong cho nhân-loại, gây ra bởi chính những thế-lực của Vũ-trụ, mà Khoa-học cơ-giới tự-phụ đã khai-thác và điều-khiển, nó phản-động lại mình như cảnh-tượng hiện bầy ra trước mắt. Nhà Đạo-học trên đường thực-hiện, như ở khoa thiền-định hay tọa-vong của Phật-học và Lão-học, cũng nói đã gặp những thế-lực ấy ở giữa đường, gọi là những quyền-năng của tinh-thần, nhưng nhà Đạo-học do sự kinh-nghiệm, khuyên phải vô-tư và vượt qua nó đi, thì mới tránh được sự trụy-lạc phản-phúc, và đạt tới chỗ Đại-trung Hoàng-cực, tức là chỗ mà Ấn-Độ-giáo gọi là SAT-CHIT-ANANDA, Chân Thực-tại, Chân Trí-thức và Cực-lạc. Thì tinh-thần Khoa-học ngày nay tưởng đã đến lúc phải hồi tâm mà tỉnh-ngộ cái Trung-tâm Duy-nhất, lấy Chân-lý và đạo Nhân làm tôn-chỉ, trút sạch tinh-thần lợi-dụng cơ-giới chủ-nghĩa đi, mới mong cứu-vãn được nhân-loại hiện thời, nếu chưa phải là quá muộn rồi vậy.

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site